Bắc Giang: Sản lượng giảm, người trồng vải vẫn... vui

GD&TĐ - Năm nay, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) giảm về sản lượng do người dân chuyển đổi loại hình cây trồng. Cùng với đó là việc thương lái Trung Quốc thu mua từ vườn nên gần như không có vải loại 1 tới tay người tiêu dùng. Tuy vậy, người trồng vải vẫn vui vì giá vải cao.

Mặc dù giảm sản lượng nhưng giá vải cao nên người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) rất vui mừng
Mặc dù giảm sản lượng nhưng giá vải cao nên người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) rất vui mừng

Chất lượng vượt trội

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vốn là vựa vải của cả nước. Vải thiều Bắc Giang ngọt đậm, hạt bé và quả rất đều. Do được đầu tư kỹ thuật nên những năm gần đây quả vải Việt Nam có chất lượng tốt hơn rất nhiều. Tại Hội nghị nhãn, vải quốc tế lần thứ 6 được tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã khẳng định quả vải Việt Nam tuy số lượng thấp nhưng lại có chất lượng thuộc hàng tốt nhất thế giới.

PGS.TS Hoàng Thị Lệ Hằng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết: “Chất lượng quả vải của Việt Nam được đánh giá tốt nhất so với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc...”. Còn ông Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả thì cho rằng: “Nhãn, vải Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với sản lượng của Trung Quốc. Tuy nhiên, do thời vụ thu hoạch, chất lượng giống của các nước khác nhau nên chúng ta hoàn toàn có cơ hội đưa sản phẩm nhãn, vải của Việt Nam vào thị trường thế giới”.

Lần đầu tiên tại Lục Ngạn có vải thiều chăm sóc theo quy trình hữu cơ được bán với giá 200 nghìn đồng/hộp. Vải thiều được đựng trong hộp giấy có 12 quả. Sản phẩm này được lắp camera chăm sóc theo quy trình hữu cơ do doanh nghiệp liên kết với người dân sản xuất tại các xã Giáp Sơn, Quý Sơn. Vỏ hộp làm bằng giấy thiết kế đẹp mắt, có dán tem truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại tra cứu theo phần mềm sẽ ra toàn bộ thông tin về sản phẩm. Trong hộp, quả vải được đặt nổi bật trên vải lụa vàng. 

Năm 2018, giá vải thiều đầu mùa chỉ từ 18 - 25 nghìn đồng/kg, nên dù có bội thu nhưng bà con trồng vải ở Lục Ngạn cũng không thấy hứng khởi. Chính vì vậy, năm nay khá nhiều người bỏ trồng vải và chuyển qua loại cây khác. Việc chuyển đổi cây trồng khiến sản lượng vải năm nay thấp hơn mọi năm. Tuy nhiên, với việc đầu tư chăm sóc kỹ nên vải năm nay tại Lục Ngạn có chất lượng vượt trội.

Với diện tích khoảng 29 nghìn ha, tổng sản lượng vải thiều năm 2019 của Bắc Giang đạt khoảng 150.000 tấn (giảm khoảng 70.000 tấn so với năm 2018). Theo kế hoạch, vải thiều sớm dự kiến thu hoạch từ 25/5, vải thiều chính vụ được thu hoạch từ ngày 5/6. Trong đó, vải thiều sớm có sản lượng khoảng 40.000 tấn, vải thiều chính vụ có sản lượng đạt khoảng 110.000 tấn.

Vải loại 1 được thương lái Trung Quốc thu mua từ sớm rồi đóng thùng theo tiêu chuẩn chuyển đi
  • Vải loại 1 được thương lái Trung Quốc thu mua từ sớm rồi đóng thùng theo tiêu chuẩn chuyển đi

Vui vì... sản lượng giảm

Việc sản lượng giảm trong khi chất lượng tăng khiến vải thiều Lục Ngạn trở thành món “hàng hot”. Anh Vũ Hoàng (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn) cho biết: “Năm nay giá vải cao hơn rất nhiều so với năm ngoái, vừa đỡ công vận chuyển lại có thu nhập cao hơn”. Theo anh Hoàng, vụ vải năm nay sản lượng tại vườn của anh giảm còn 50% nhưng giá bán cao hơn gấp 2 - 3 lần nên rất phấn khởi.

Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Nguồn cung sụt giảm gần 50% so với năm 2018 khiến giá vải thiều được đẩy lên cao hơn. Tuy nhiên, tâm lý bà con rất sẵn sàng và phấn khởi chờ đón các doanh nghiệp, thương nhân đến mua hàng”.

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang), đến thời điểm này, tổng sản lượng vải thiều trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 78,6 nghìn tấn. Theo đó, các chủ vườn và thương nhân, doanh nghiệp thu về hơn 4 nghìn tỷ đồng từ bán vải thiều và các hoạt động dịch vụ phụ trợ khác, như đá cây, thùng xốp, công lao động, vận tải… Riêng thu từ bán vải thiều hơn 3,1 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, giá vải thiều của Bắc Giang vẫn ổn định ở mức cao. Cụ thể, giá vải sớm (vải lai Lục Ngạn) dao động từ 40 - 60 nghìn đồng/kg; cao điểm giá vải sớm loại đẹp tại huyện Lục Ngạn có lúc bán với giá 72 nghìn đồng/kg.

Vải loại 1 hết tại vườn

Vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ khắp cả nước, trong đó đáng chú ý tiêu thụ mạnh tại các chợ đầu mối và các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, như Saigon Co.op Mart, BigC, Hapro… Bên cạnh đó, một lượng vải không nhỏ được xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường chính ngạch và sang một số nước thuộc khu vực Trung Đông, EU, Nga, Nhật Bản, Thái Lan… Đáng chú ý, các thương lái Trung Quốc đã canh ngay tại vườn để thu mua vải loại 1. Anh Luân - một chủ vườn vải tại Lục Ngạn cho biết: “Vải loại 1 được bán ngay tại vườn với giá thấp nhất là 70.000 đồng/kg và chủ yếu là người Trung Quốc mua”. Theo anh Luân, rất khó định giá vải loại 1 được bán ra thị trường bao nhiêu vì gần như đã bị mua hết ngay tại vườn.

Theo thống kê của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai, tính từ ngày 7/5 đến ngày 11/6, cơ quan Hải quan đã tiếp nhận 346 tờ khai xuất khẩu quả vải tươi, làm thủ tục thông quan hơn 18.928 tấn quả vải tươi sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, trị giá 242 tỷ đồng.

Thông tin với Báo GD&TĐ, chị Mai Thu Hồng - một đầu mối thu mua vải tại Lục Ngạn cho biết, vụ vải thiều năm nay, phía Trung Quốc kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định về bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm quả vải thiều tươi. Đặc biệt, doanh nghiệp nhập khẩu vải thiều phía Trung Quốc rất chú trọng đến chất lượng vải quả qua việc chỉ nhập khẩu những lô hàng bảo đảm đóng gói đúng quy cách, trong đó vải thiều không được để lá, cuống vải phải cắt gọn và chỉ để dài tối đa 15cm.

Chị Hồng cũng cho biết thêm, ngay từ đầu vụ thu hoạch, các thương lái Trung Quốc đã đến các vùng vải để khảo sát, đặt hàng và cung cấp trước số lượng lớn thùng xốp, tem nhãn để các đầu mối tại Việt Nam thực hiện dán tem, đóng thùng trước khi làm thủ tục qua cửa khẩu. Với việc kiểm soát chặt chẽ và thu mua từ sớm như trên sẽ rất khó để những quả vải loại 1 đến được tay người tiêu dùng trong nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.