Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 17,25% (riêng công nghiệp tăng 18,56%); khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,56%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,14%.
Quy mô GRDP được mở rộng; giá trị cả năm (giá hiện hành) ước đạt 181,8 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 7,6 tỷ USD), vượt 0,2% kế hoạch; GRDP bình quân đầu người đạt 3.950 USD, tăng 10%, vượt 3% kế hoạch.
Cơ cấu kinh tế dịch chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) cả năm ước đạt 539 nghìn tỷ đồng, vượt 6,2% so với kế hoạch năm.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất với quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao được quan tâm và nhân rộng.
Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ và giảm tỷ trọng đàn lợn, tăng chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, chăn nuôi theo chuỗi khép kín.
Các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu; dịch vụ tài chính, ngân hàng; giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông tiếp tục tăng trưởng.
Trong 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 19,3%, đứng thứ 2 cả nước; năm 2023, đạt 13,45% đã vươn lên đứng đầu cả nước.
Hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện, thu hút đầu tư đạt được kết quả tích cực, luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có kết quả thu hút đầu tư đứng đầu cả nước.
Chính vì vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của Bắc Giang tăng 29 bậc so với năm 2021, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của tỉnh.