Bắc Giang: "Cú hích" chất lượng giáo dục từ chương trình SGK mới

GD&TĐ - Sau 1 năm ngành Giáo dục Bắc Giang triển khai Chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực từ năng lực, phẩm chất HS, phong trào đổi mới giảng dạy của cán bộ quản lý, GV.

Chương trình SGK mới bước đầu mang lại hiệu quả cao trong dạy và học (Ảnh minh họa, chụp trước 27/4/2021).
Chương trình SGK mới bước đầu mang lại hiệu quả cao trong dạy và học (Ảnh minh họa, chụp trước 27/4/2021).

Qua đó, giúp ngành Giáo dục Bắc Giang sẵn sàng triển khai chương trình SGK mới với khối lớp 2 và lớp 6 cho năm học 2021 – 2022.

Học sinh tiến bộ nhanh

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 1.263 lớp 1 với 38.381 HS, trong đó HS lớp 1 học  2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 99,51% và 0,49% là tỷ lệ HS học 8 buổi/tuần.

Bởi vậy, việc triển khai Chương trình GDPT mới được coi là "bứt phá" nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT. Với hệ thống mạng lưới trường, lớp được sắp xếp lại theo hướng giảm các trường có quy mô nhỏ đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh Bắc Giang.

Triển khai Chương trình GDPT mới, sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tuyển dụng GV theo lộ trình đổi mới Chương trình GDPT 2018. Năm 2020 tuyển dụng được 445 GV tiểu học.

Về cơ sở vật chất, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện có hiệu quả chương trình GDPT theo lộ trình đổi mới Chương trình, SGK của Bộ GD&ĐT.

Các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tại địa phương, mục tiêu đến năm 2025: Xây dựng thêm 1.399 phòng; 486 phòng chức năng. Tổng nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch (dự kiến) cho các bậc học, cấp học trong giai đoạn 2019-2025 khoảng 3.517,88 tỷ đồng. 100% trường học đều trang bị đầy đủ đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp 1. 100% lớp 1 được trang bị ti vi thông minh để khai thác học liệu điện tử. 100% HS lớp 1 có đủ đồ dùng học tập trước khi bước vào năm học mới.

Bà Trần Thị Ánh Tuyết - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thế cho biết: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong dạy và học. 

“Các em đã bắt nhịp vào môi trường giáo dục, chủ động trong việc học, bởi nội dung các bài học trong sách giáo khoa mới rất đa dạng.Ngữ liệu có tranh minh họa giúp giáo viên, học sinh dễ nhận biết, hiểu rõ nghĩa, bài tập thực hành nên các em tiếp cận kiến thức nhanh, hào hứng học tập…”, bà Tuyết chia sẻ.

Tập trung cho lớp 2 lớp 6

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản 322 về việc Phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021- 2022 và những năm tiếp theo.

Cán bộ quản lý ngành GD-ĐT huyện Yên Thế đánh giá về Chương trình SGK mới (Ảnh chụp trước 27/4/2021).
Cán bộ quản lý ngành GD-ĐT huyện Yên Thế đánh giá về Chương trình SGK mới (Ảnh chụp trước 27/4/2021).

Theo đó, danh mục được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt có 18 SGK lớp 2 của 9 môn: Âm nhạc, Đạo đức, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Tiếng Anh và hoạt động trải nghiệm.

Đối với lớp 6 có 24 sách của các môn gồm: Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Tiếng Anh và Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.

Thực hiện Chương trình lớp 2 va lớp 6, sở xây dựng kế hoạch nhu cầu giáo viên đến năm 2025 nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT 2018.

Tiếp tục rà soát đội ngũ GV hiêṇ có ở cấp học, từng trường để dự kiến số lượng GV…b ồi dưỡng, bố trí, sắp xếp GV hợp lý. Đặc biệt, không để tình trạng thiếu, mất cân đối cơ cấu GV khi triển khai thưc hiện Chương trình GDPT.

Về công tác bồi dưỡng GV, chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Đỗ Văn Long - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT Bắc Giang) cho biết: Chương trình ETEP đã triển khai đến các đơn vị theo đúng tiến độ, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. 

Theo ông Long, Bắc Giang là địa phương vừa có khu vực đồng bằng vừa có trung du miền núi. Do vậy, quá trình triển khai chương trình bồi dưỡng được sở và đơn vị phụ trách lựa chọn phương pháp, thời gian phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Long cũng cho hay: Cùng với sự hỗ trợ của ngành GD-ĐT và địa phương, sự lĩnh hội của GV bước đầu  đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, ông Long cũng chỉ ra một số khó khăn như: tài khoản mạng Viettel hỗ trợ; vấn đề ngân sách chi phí gặp nhiều khó khăn. 

Trước những khó khăn, thách thức của yếu tố khách quan và chủ quan, toàn ngành GD-ĐT Bắc Giang vẫn quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ và chương trình bồi dưỡng. 

“Trong số 8.000 GV được học tập bồi dưỡng, có hơn 1.000 GV dạy lớp 1 thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới đều đáp ứng được mục tiêu giáo dục và mục tiêu cấp học, đem lại hiệu quả tốt…”, ông Long thông tin. 

Cô Ngô Minh Lý – GV Trường THCS Thị trấn Đồi Ngô số 1 (huyện Lục Nam) kể: Quá trình tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình ETEP, tôi được chia sẻ các nội dung như: Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, …

Theo cô Lý, tài liệu tập huấn và chương trình bồi dưỡng rất hữu ích, giúp cô cùng các GV sử dụng hiệu quả trong giảng dạy để phát triển bản thân và đạt mục tiêu giáo dục phẩm chất, năng lực cho học sinh. Đặc biệt, qua chương trình bồi dưỡng, GV sẽ chủ động học tập, rèn luyện nâng cao chất lượng. 

Kết quả năm học 2020-2021, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 song kết quả học tập của HS khối 1 là tín hiệu vui trong giai đoạn đầu thay sách của ngành GD&ĐT. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để chất lượng giáo dục bậc tiểu học ngày càng được nâng cao.

Trên cơ sở đạt được, các cơ sở giáo dục và cán bộ, GV nhìn nhận điểm mạnh, điểm hạn chế. Từ đó, rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn trong thời gian tới. Ngành GD-ĐT Bắc Giang đã chuẩn bị cơ sở vật chất, lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 để bước vào năm học 2021-2022  bảo đảm đúng lộ trình, đạt chất lượng, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ