Bác đề xuất đánh thuế nhà, đất thứ hai của TP.HCM

GD&TĐ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa đưa đề xuất của TP.HCM về việc đánh thuế sở hữu bất động sản thứ hai vào nội dung dự thảo gửi trình Chính phủ.

Bác đề xuất đánh thuế nhà, đất thứ hai của TP.HCM

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) vừa báo cáo Thường trực Chính phủ về việc triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM.

Tại dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, TP.HCM nêu ra một số đề xuất về thu thuế nhà đất. Trong đó, TP.HCM đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên với hai phương án.

Với phương án thứ nhất, thành phố kiến nghị thí điểm thu thuế nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng.

Còn tại phương án hai, thành phố đề xuất tăng mức thu liên quan nhà đất thứ hai trở lên, cụ thể là lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.

Trước đề xuất của TP.HCM, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc đánh thuế cao đối với người sở hữu nhà thứ hai tại TP.HCM là cơ chế tạo nguồn thu ngân sách cho thành phố và kết quả thí điểm là cơ sở xem xét áp dụng trên phạm vi rộng hơn tại các địa phương khác.

Tuy nhiên, chính sách này còn tồn tại một số bất cập. Trong đó, chính sách này không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp. Đơn cử, người có một nhà, đất ở diện tích hoặc giá trị lớn sẽ không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu hai nhà, đất ở diện tích, giá trị nhỏ lại chịu thuế cao.

Ngoài ra, việc chưa số hóa giấy tờ giao dịch bất động sản là kẽ hở để nhiều tổ chức, cá nhân lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên. Vì thế việc đưa ra thí điểm đánh thuế cao với bất động sản thứ hai lúc này chưa phù hợp.

Bộ KH&ĐT chưa đưa đề xuất của TP.HCM về việc đánh thuế sở hữu bất động sản thứ hai vào nội dung dự thảo gửi trình Chính phủ.

Bộ KH&ĐT chưa đưa đề xuất của TP.HCM về việc đánh thuế sở hữu bất động sản thứ hai vào nội dung dự thảo gửi trình Chính phủ.

Cũng theo ý kiến của Bộ KH&ĐT, cơ chế này khi áp dụng sẽ tác động đến thị trường, làm giảm cung và cầu bất động sản tại TP.HCM. Bên cạnh đó, trên thế giới, hiện không có nhiều quốc gia chọn phương án đánh thuế cao với người sở hữu nhà, đất thứ hai trở lên.

Do vậy, Bộ KH&ĐT chưa đưa đề xuất của TP.HCM về việc đánh thuế sở hữu bất động sản thứ hai vào nội dung dự thảo.

Trước đó, đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai cũng nhận được một số ý kiến trái chiều, gây khá nhiều tranh cãi thời gian qua. Thậm chí, nhiều chuyên gia đánh giá, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 có thể “bóp nghẹt“ thị trường bất động sản.

Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho rằng, đánh thuế sở hữu bất động sản thứ hai có thể gây ra sự suy giảm thanh khoản của thị trường trong ngắn hạn do tình trạng mất cân đối giữa giá mua và giá bán. Khi đó, người mua phải cân nhắc phần thuế mới và người bán để đảm bảo lợi nhuận sẽ cộng thêm giá trị của phần thuế này.

Cùng quan điểm, Phó Giám đốc R&D DKRA Group Võ Hồng Thắng nhìn nhận, nếu đề xuất trên được thông qua có thể làm thị trường bất động sản TP.HCM có thể rơi vào trạng thái tê liệt kéo dài do nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn đầu tư vào thị trường khác thay vì chọn TP.HCM để phải chịu thêm một khoản thuế.

"Ở thời điểm hiện tại khi thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, trầm lắng nếu thí điểm đóng thuế bất động sản thứ 2 sẽ làm cho thị trường TP.HCM khó có thể phục hồi. Việc thu thuế bất động sản thứ 2 trở đi là bài toán phức tạp cần có tính toán cụ thể để tránh bất công trong xã hội", ông Thắng phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.