Người ta thường hay so sánh bà với vị nữ thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh là “Bà đầm thép” Margaret Thatcher, và thậm chí có người còn gọi bà là “Người đàn bà thép thứ hai” của nước Anh.
Để có cái nhìn rõ nét và khách quan hơn về hình ảnh của vị tân thủ tướng này, cũng như giúp cho bạn đọc có thêm tư liệu để suy luận liệu bà Theresa May sẽ mang lại những gì cho đất nước Anh, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Alexei Kupriyanov đăng trên “Lenta.ru” ngày 13/7
Vị nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh Margaret Thatcher được người dân trong nước cũng như trên toàn thế giới nhớ đến như là một "Bà đầm thép".
Bà là người đã chủ trương giảm chi phí cho giáo dục và nhà ở, trực tiếp giải tán các cuộc biểu tình, chiến đấu không khoan nhượng với các tổ chức công đoàn, với những người theo chủ nghĩa ly khai Ai-len và cả với phe đối lập trong đảng, và bà cũng là người chiến thắng trong cuộc chiến giành lại quần đảo Falkland xa xôi.
Chúng ta hãy xem có những điểm gì giống nhau và những khác biệt giữa Theresa May và Margaret Thatcher
Theresa May. Ảnh: Peter Nicholls / Reuters
Teresa không từ chối
Hơn một tháng trước đây, không ai có thể tưởng tượng được rằng bà Theresa May - Bộ trưởng Nội vụ 59 tuổi sẽ là người đứng đầu nhà nước Anh. Người kế thừa David Cameron được mọi người dự đoán sẽ là Bộ trưởng Tài Chính George Osborne, một người ủng hộ mạnh mẽ cho việc Anh ở lại EU.
Lúc đầu, ai cũng nghĩ rằng Brexit khó có thể xảy ra, và trong trường hợp này Đảng Bảo thủ đã có thủ lĩnh của mình: ông Boris Johnson - cựu thị trưởng London, một người có vẻ hơi lập dị, và đã kịch liệt bảo vệ ý tưởng ra khỏi EU.
Sau đó, cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, Cameron từ chức- và theo chân ông là Johnson, đột nhiên cũng tự cho rằng mình không có đầy đủ phẩm chất lãnh đạo.
Trong phe bảo thủ bao trùm một bầu không khí hết sức bối rối: những người trước đây từng ủng hộ việc ở lại EU chả nhẽ bây giờ lại lên cầm quyền để đưa đất nước ra khỏi EU, còn trong những người muốn tách khỏi EU thì sau khi Johnson từ chối vẫn chưa tìm ra nhà lãnh đạo nào có sức lôi cuốn.
Đúng lúc đó Theresa May xuất hiện – một nhân vật ôn hòa, đáng kính, có nguyên tắc và cái chính là bà không từ chối đề nghị này. Về lý thuyết, chiến dịch tranh cử phải kéo dài cho đến tháng 9, nhưng đã sớm kết thúc bởi đối thủ chính của bà May, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Andrea Ledsem - niềm hy vọng cuối cùng của phái chủ trương tách khỏi EU, đã chủ động rút lui sau khi vướng vào một loạt các vụ bê bối.
Sau đó, cả 2 phái đều tỏ lòng tôn kính đối với bà thủ tướng mới, cùng lên tiếng bày tỏ niềm vui rằng từ nay Vương quốc Anh sẽ có một chính phủ đủ mạnh và đầy trách nhiệm.
Con người của hệ thống
Theresa May hiện phải đứng trước các nhiệm vụ khó khăn: là một nhà chính trị kế tục hệ thống, bà sẽ phải lãnh đạo đất nước vào thời điểm khủng hoảng, khi đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua, và xã hội thì bị phân cực thành 2 phái.
Bà May đã xây dựng sự nghiệp chính trị của mình một cách bền bỉ, kiên trì và liên tục - như cái cách người ta đặt từng viên gạch, rồi từ từ cũng đạt được danh tiếng là một người có phẩm chất đạo đức cao, một người bảo thủ ôn hòa, gần gũi với trái tim của những con người bình thường.
Bà chưa bao giờ bước chân vào, và cũng không có ý định thâm nhập vào nhóm những người thân cận của Thủ tướng Cameron, bởi vì bà hiểu được sự khác biệt về vị thế giữa bà với tầng lớp trên của những người bảo thủ - Họ là những cựu sinh viên tốt nghiệp những trường tư thục ưu tú.
Năm 2010, David Cameron cùng một lúc bổ nhiệm bà May vào hai vị trí: Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ phụ nữ và cơ hội bình đẳng.
Với tư cách Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bà May ngay lập tức hủy bỏ các biện pháp kiểm soát bổ sung đối với người dân do chính phủ thuộc Công đảng trước đó từng áp dụng, và ngăn chặn quá trình dẫn độ hacker người Mỹ Gary McKinnon, người bị buộc tội xâm nhập vào máy tính của NASA.
Bà chỉ trích các thuộc cấp đã không triển khai cuộc chiến chống tham nhũng một cách đầy đủ, và công khai xin lỗi người dân vì những sai sót của lực lượng cảnh sát.
David Cameron. Ảnh: Justin Tallis / Getty Images
Còn nói về các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo, bà May đã hành động một cách cứng rắn: Cấm các giáo sĩ Hồi giáo và người theo đạo Hồi nhập cảnh, cấm các cuộc biểu tình của những người thuộc phe cánh hữu Anh, trục xuất những người "tuyên truyền hận thù" và gạt bỏ những nhân viên của Bộ nội vụ không đồng quan điểm với chính sách của bà.