Những điều Sindhutai đang làm đã mang về cho bà hơn 750 giải thưởng, người ta gọi bà là "bà mẹ của những đứa trẻ mồ côi".
Bà Sindhutai hiện vận hành 4 nhà trẻ mồ côi ở quê hương Prune, bang Maharashtra, Ấn Độ - 2 nhà dành cho các bé gái và 2 nhà dành cho các bé trai - với sự giúp sức của em gái Mamta và vài người con nuôi lớn của bà - có những người trong số họ đã trở thành luật sư, bác sĩ và giảng viên đại học.
Những đứa trẻ được bà Sindhutai mang về thường là những đứa trẻ phải vật lộn mưu sinh ở ga tàu, bị bỏ rơi trong thùng rác hay thậm chí bị chó hoang kéo đi trên đường phố. Những đứa trẻ mới liên tục được tiếp nhận. Sindhutai không đưa bọn trẻ đi làm con nuôi, và ngay cả khi chúng đủ 18 tuổi, bà vẫn để chúng ở lại. "Ngay cả khi 18 tuổi, bọn trẻ vẫn ở với tôi. Tôi dựng vợ gả chồng cho bọn trẻ và giúp chúng xây dựng gia đình".
Sindhutai cho biết trên Barcroft TV: "Chính phủ nói một khi bọn trẻ đã đủ 18 tuổi, nên yêu cầu chúng rời đi. Nhưng đủ 18 tuổi không có nghĩa là chúng đủ khôn lớn, thực tế đó là quãng thời gian chúng cần nhiều tình yêu và sự hỗ trợ, cần được chỉ bảo cho biết về những nguy hiểm trong cuộc sống. Một con chim đủ lông đủ cánh không có nghĩa là nó có thể bay".
Sinh ra trong một gia đình nghèo, bà Sindhutai 9 tuổi đã không được đi học nữa, và kết hôn với một người đàn ông 20 tuổi khi mới chỉ lên 10. Mười năm sau, trong lúc mang thai 9 tháng, Sindhutai bị chồng đuổi ra khỏi nhà, và bởi vì mọi người, bao gồm cả gia đình của bà đều quay lưng, Sindhutai đã phải sinh con trong chuồng bò. "Tôi sinh con trong chuồng bò, dùng những viên đá thấy ở gần đó để cắt dây rốn cho con. Tôi đến chỗ mẹ, đến chỗ họ hàng, nhưng không ai giúp đỡ", bà lão 68 tuổi hồi tưởng.
Để có thể sống và nuôi đứa con mới sinh, Sindhutai đi ăn xin và hát dưới ga tàu đổi lấy thức ăn. Chính trong khoảng thời gian khó khăn này bà gặp những người trẻ bị bỏ rơi khác đang vật lộn với cuộc sống giống mình. Bà chia sẻ thức ăn với họ và quan tâm chăm sóc họ hết sức có thể. Một vài trong số họ bắt đầu đi theo bà, và đó là cách gia đình lớn hình thành mà chính bà không nhận ra.
Đã có lúc Sindhutai định kết liễu đời mình vì quá khổ cực. Bà thậm chí đã quấn chặt con vào cùng với mình để quyên sinh, nhưng lại có người xin nước uống. Người đàn ông đó đang sốt và vô cùng đau đớn. Khoảnh khắc ấy Sindhutai nhận ra rằng mình nên sống, vì những người khác nữa.
Trong suốt 40 năm, Sindhutai Sapkal đã đi đến vô số làng mạc, nói chuyện cho đến khi khô rát cổ họng, cố gắng quyên góp cho bọn trẻ một cuộc sống tốt hơn. Bà đã xây dựng bốn trại trẻ mồ côi, nơi mà nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi trở thành những thành viên có ích cho xã hội. Đối với bà, quan trọng nhất là giữ cho bọn trẻ đi đúng đường và mang lại cho chúng tình yêu thương, chăm sóc của một gia đình.