Ba hành vi của trẻ tưởng khôn trước tuổi nhưng bất lợi cho tương lai

Ba hành vi của trẻ tưởng khôn trước tuổi nhưng bất lợi cho tương lai

1. Mang đồ từ nhà khác về

Trẻ thường có thói quen đến chơi nhà ai, nhìn món đồ nào ưng mắt là giấu mang về; hoặc đi đến bất kỳ nơi đâu như cửa hàng, siêu thị, cứ thấy món nào mình thích là lén giấu vào người. 

Nhiều cha mẹ thấy con như vậy chẳng những không nhắc nhở mà còn cổ súy, cho rằng con mình khôn lanh trước tuổi, nhanh nhạy hơn người. Kỳ thực đó là thói ăn cắp vặt. Nhỏ không dạy, lớn có thể thành trộm cắp. Nhỏ dung dưỡng, lớn có thể sẽ thành dối trá, khiến người khác xa lánh, không tin tưởng.

Tuy nhiên, lỗi không phải ở con. Lỗi lớn nhất thuộc về cha mẹ, những người đã dung túng, biến một đứa trẻ thành một tên cắp vặt, thậm chí là 1 tên trộm trong tương lai.

Mẹ cần làm gì?

Để sửa chữa thói xấu này ở con, ngay khi phát hiện con giấu đồ của ai đó, mẹ cần nói cho con hiểu đó là tật xấu, là hành vi gian dối, đồng thời yêu cầu con trả đồ vật lại vị trí ban đầu. 

Mẹ cũng có thể kể cho con nghe một câu chuyện ngắn liên quan đến tật xấu này, giúp con phân biệt đâu là điều nên làm và đâu là điều cần tránh.

2. Tự cao tự đại, không chấp nhận thua cuộc

Nhiều trẻ khi thua cuộc, thường biểu lộ sự cộc cằn, hung hăng và không chấp nhận điều đó. Ba mẹ cứ nghĩ con cá tính, khác biệt nhưng kỳ thực đó là biểu hiện của sự ích kỷ, do được nuông chiều mà thành. 

Ngoài ra, nét tính cách tiêu cực này còn xuất hiện khi bố mẹ tỏ thái độ tự hào thái quá về con, khiến trẻ lầm lạc, ngộ nhận về khả năng của mình.

Trong trường hợp này là không biết chia sẻ, quan tâm đến người khác, luôn xem mình là cái rốn của vũ trụ. Khi trưởng thành, con sống chỉ biết mình, khó làm việc - hòa hợp trong môi trường tập thể, thiếu kỹ năng xây dựng các mối quan hệ. 

Mặt khác, con thường không biết nhường nhịn, tâm lý “thua đủ”, luôn xem ý kiến của mình là trên hết.

Ba hành vi của trẻ tưởng khôn trước tuổi nhưng bất lợi cho tương lai ảnh 1

Mẹ cần làm gì?

Cha mẹ không nên tỏ thái độ tự hào thái quá về con trước mặt con, cũng không nên so sánh con với bạn bè. Nếu con có biểu hiện thông minh, học giỏi, hãy dùng lời khen ngợi để tạo động lực cho con phấn đấu, không tán đồng với những suy nghĩ coi thường người khác của con.

3. Hứa suông

Nhiều trẻ từ nhỏ đã có tư chất thông minh, khéo miệng, luôn biết bố mẹ muốn gì và sẵn sàng lắng nghe họ nói. Bề ngoài, đó là những trẻ lễ phép, gọi dạ bảo vâng, xin lỗi ngay khi phạm lỗi, nhưng thực tế sai không chịu sửa, chỉ hứa suông thôi. Lần sau lại tiếp tục tái phạm, lại hứa hẹn và xin lỗi.

Về lâu dài, con chỉ biết nói lời hay để lấy lòng mọi người, thay vì thể hiện trách nhiệm bằng hành động. Điều con nhận được là sự xem thường, thiếu tin tưởng từ người khác vì con thường xuyên là kẻ thất hứa.

Mẹ cần làm gì?

Trước hết bố mẹ phải làm gương, hứa điều gì với con là phải giữ lời, không được tùy tiện hứa rồi “nuốt lời”. Nhờ đó, con sẽ học được cách tôn trọng lời hứa và giữ chữ tín với người khác.

Mẹ không nên dung túng cho hành động thất hứa của con. Hãy nghiêm khắc với con ngay từ lần đầu phạm lỗi. Sau khi con xin lỗi, mẹ cần nhấn mạnh: “Mẹ chỉ bỏ qua cho con lần này thôi nhé, Nhưng mẹ sẽ phạt nặng nếu con chỉ hứa suông, không biết sửa lỗi ”. Và nếu con tiếp tục thất hứa, mẹ hãy phạt con để con nhớ mà sửa sai.

Có thể nói, một người mẹ thông minh luôn nhìn vào hành vi của trẻ, nhận biết những vấn đề bất ổn để kịp thời điều chỉnh những nét tính cách tiêu cực ở con.

Theo ngoisao.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ