Chống chọi thế nào?
Tại tỉnh Đồng Nai, hơn 1 tháng qua, giá gà tam hoàng trên thị trường hiện vẫn tiếp tục đứng mức thấp là 22 - 24 ngàn đồng/kg, gà trắng tuy có nhích lên chút ít nhưng vẫn còn rất thấp, chỉ 21 - 22 ngàn đồng/kg.
Với giá trên, người nuôi gà tam hoàng đang lỗ hơn 10 ngàn đồng/kg, còn người nuôi gà trắng lỗ 3 - 4 ngàn đồng/kg. Dù giá gà đang xuống rất thấp nhiều thương lái vẫn không mặn mà thu mua.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 2/2017, ước tính tổng số gia cầm của cả nước tăng 4,3 - 4,8% so với cùng kỳ năm 2016 với con số đạt 277 triệu con gà.
Chỉ riêng ở tỉnh Đồng Nai, có tổng đàn gà lớn đứng thứ 2 của cả nước, thống kê đầu năm 2016 có 16,8 triệu con, nay chưa hết tháng 3/2017 đã nhảy vọt lên tới xấp xỉ 18 triệu con.
Trong khi đó, theo quy luật nhiều năm, cứ sau Tết Nguyên đán vào khoảng nửa tháng là thời điểm bên Trung Quốc hay nhập gà nhiều, từ đó giá sẽ được đẩy lên cao.
Tuy nhiên, ngay từ sau Tết Nguyên đán 2017, Trung Quốc bùng phát dịch cúm gia cầm A/H7N9 lây lan qua người. Do đó, họ buộc phải đóng cửa không nhập khẩu gà từ Việt Nam sang khiến nguồn cung rơi vào tình thế tồn dư lớn.
Điều đáng nói, gà trong nước đã dư thừa mà còn bị thịt gà đông lạnh nhập khẩu cùng nhau “hiệp đồng” đánh cho tơi tả. Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, năm 2016, lượng gà đông lạnh giá siêu rẻ gồm đùi, cánh, chân, nội tạng nhập về Việt Nam tăng gấp 2 lần năm 2015 với giá dao động khoảng 12 - 17 ngàn đồng/kg.
Riêng mặt hàng thịt gà đùi đã có 15 nước xuất khẩu vào Việt Nam. Chỉ trong tháng 1/2017, Việt Nam nhập hơn 7.000 tấn đùi gà, trong đó lượng đùi gà xuất xứ từ Mỹ nhiều nhất, chiếm đến 65% với giá rẻ bất ngờ, chưa đến 10 ngàn đồng/kg. Thế nên, mới có chuyện ở các hàng, quán cóc vỉa hè bán cơm chiên đùi gà Mỹ rất to giá bình dân chỉ có 17 - 20 ngàn đồng/đĩa.
Thông thường thịt gà Mỹ đông lạnh nhập khẩu được chia thành 3 loại gồm đùi, cánh, chân và được đóng gói với số lượng khác nhau. Đối tượng mua loại gà này chủ yếu là các quán ăn, bếp công nghiệp và tiểu thương chợ đầu mối, chợ nhỏ lẻ. Tại các siêu thị thì đùi gà đông lạnh các loại đang được niêm yết giá chỉ hơn 30 ngàn/kg.
Nhìn chung, do giá gà công nghiệp đông lạnh chiếm ưu thế hơn với các loại thịt gà tươi trong nước nhờ bán giá rẻ, nên phần lớn được “tuồn” vào các bếp ăn tập thể, quán ăn bình dân, quán cóc, vỉa hè, từ đó cũng góp phần không nhỏ đẩy người chăn nuôi gà đến tình trạng khó khăn hơn.
Ông Trần Văn Duyệt - Chủ trang trại gà tại xã Gia Tân 2 (Thống Nhất, Đồng Nai) - cho biết: Ông nuôi khoảng 40 ngàn con gà tam hoàng để bán.
Cứ nghĩ như mọi năm, từ tháng Hai trở đi, giá gà sẽ tăng cao vì Trung Quốc ăn hàng, nhưng năm nay dịch cúm nên họ ngừng nhập. Gà đến thời điểm xuất chuồng không thể giữ lâu nên ông đành phải bán, giá bình quân có 20 ngàn đồng/kg nhưng rất khó kêu thương lái.
Theo tính toán của ông Duyệt, lứa gà bán đầu tháng 3 này, ông đã lỗ trên nửa tỷ đồng. “Những trang trại như tôi càng nuôi nhiều lỗ nhiều, không ít trang trại thua lỗ tiền tỷ vì giá giảm kỷ lục. Có thể nói, đây là lần giá giảm sâu và lâu nhất trong vòng 10 năm qua. Không biết sắp tới phải chống chọi thế nào?” - Ông Duyệt nói.
Lại chuyện điệp khúc
Giá gà trong nước giảm sâu và lâu nhất trong vòng 10 năm nay
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, gà nhập khẩu về giá siêu rẻ đều là hàng gần hết hạn sử dụng hoặc bảo quản đông lạnh quá lâu.
Vì những lý do đó, nhiều chuyên gia nhận định có khả năng kể cả cánh, đùi gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ như nói ở trên có thể là hàng sắp hết hạn sử dụng.
Bởi, một sản phẩm đùi gà có hạn sử dụng 6 tháng nhưng nếu sản phẩm này bên Mỹ không tiêu thụ được còn hạn chỉ từ 1 - 3 tháng thì mới có giá rẻ như vậy.
Tại các nước, thực phẩm trên chỉ đưa vào chế biến thức ăn chăn nuôi, nhưng khi về Việt Nam lại đưa ra các chợ bán sỉ, lẻ để vào những bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp và quán ăn.
Sau đó, qua “tài” chế biến bằng cách ngâm tẩm phụ gia hương liệu, chiên xào, người ăn bị đánh lừa do khó phân biệt được đâu là thịt gà tươi được giết mổ trong nước, đâu là thịt gà đông lạnh.
Trước đây, Hiệp hội này từng có gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi cùng tham gia kiện bán phá giá gà vào thị trường Việt Nam cũng như cùng góp ý xây dựng hàng rào kỹ thuật để phòng vệ thương mại.
Theo đó, giá thịt gà đảm bảo chất lượng bán tại Mỹ, chẳng hạn đùi gà vẫn gần 80 ngàn đồng/kg, cao hơn giá tại các siêu thị ở Việt Nam. Như vậy, gà đảm bảo chất lượng khó có thể vận chuyển nửa vòng trái đất về Việt Nam có giá dưới 17 ngàn đồng/kg.
Thế nhưng, đến nay phần lớn số đông các doanh nghiệp có chăn nuôi lớn không hiểu vì lý do gì mà không mặn mà, viện nhiều lý do để không tham gia.
“Chúng tôi đã nhiều lần vận động các doanh nghiệp chăn nuôi lớn bỏ chi phí cùng tham gia kiện bán phá giá, nhưng chỉ có Cty TNHH Emivest Việt Nam và Cty CP chăn nuôi C.P Việt Nam ủng hộ, còn những Cty chăn nuôi khác đều từ chối.
Vì thế, cho đến bây giờ vẫn chưa thể đưa ra hình thức phòng vệ thương mại nào để bảo vệ gà trong nước” - Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ chia sẻ.
Vẫn theo ông Ngọc, do thiếu sự liên kết, sự đồng lòng giữa các doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam nên đã đẩy ngành chăn nuôi gà đến cùng cực khó khăn như lúc này.
Trong khi gà Việt Nam xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài phải loay hoay trầy trật vì vướng đủ thứ hàng rào kỹ thuật thì thịt gà nước ngoài năm nào cũng ào ào vào Việt Nam, không gặp bất cứ cản trở kỹ thuật thương mại nào.
“Cách đây không lâu, bột ngọt nước ngoài bán phá giá vào Việt Nam, một số doanh nghiệp bột ngọt tại Đồng Nai đã tập hợp lại tìm bằng chứng và kiện bán phá giá.
Kết quả, phía Việt Nam thắng, bột ngọt nhập khẩu vào trong nước phải chịu thuế và ngành bột ngọt trong nước đã vượt qua được sóng gió vì sử dụng phòng vệ thương mại kịp thời.
Trong khi đó, thịt gà nhập khẩu đông lạnh vào thị trường Việt Nam bán giá siêu rẻ, chất lượng thịt thì không mấy gì đảm bảo, nhưng bao nhiêu năm rồi vẫn mãi cứ điệp khúc gà ngoại “ép” gà nội ngay trên sân nhà” - Ông Ngọc bức xúc nói
Trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 ngàn tấn thịt gà đông lạnh theo đường chính ngạch. Giá dao động khoảng 1,2 USD/kg, sau khi cộng chi phí thuế nhập khẩu, phí vận chuyển, lưu kho, bốc dỡ... thì giá gà nhập khẩu bán ra thị trường ít nhất phải trên 30 ngàn đồng/kg. Vậy mà có loại thịt gà nhập khẩu bán giá dưới 20 ngàn đồng/kg. Đây là điều không bình thường.
Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam