Australia: Sinh viên mất nguồn thu nhập do Covid-19

Australia: Sinh viên mất nguồn thu nhập do Covid-19

SV gặp khó khăn về tài chính

Theo chuyên gia GD thuộc Trường ĐH Australia (ANU) Andrew Norton, cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra sẽ khiến tình hình tài chính vốn đang bấp bênh của nhiều SV trở nên tồi tệ hơn. Ông Norton nhận định, thiệt hại này có thể sẽ kéo dài một đến vài năm.

Chia sẻ với truyền thông, Giáo sư Norton cho biết, những nhân viên thuộc ngành nghề tiếp xúc với nhiều người đang phải đối mặt với rủi ro về việc làm, cả trung và dài hạn từ đại dịch.

Trong khi đó, những SV có việc làm bán thời gian là trợ lý bán hàng, bồi bàn có khả năng cao nhiễm Covid-19, vì họ thường xuyên tiếp xúc với mọi người. Ông Norton nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là nhiều SV không có thêm thu nhập do đại dịch.

“Mối quan tâm chính hiện tại là nhiều công ty trong các ngành sẽ phá sản. Nếu vậy, sẽ mất nhiều năm để xây dựng lại nguồn việc làm chính dành cho SV. Dù người học nhiễm bệnh hay không, họ là một trong những người có khả năng gặp khó khăn về tài chính nhất”, Giáo sư Norton chia sẻ trong bài đăng trên trang cá nhân.

Nhu cầu tài chính của SV là mối quan tâm lớn đối với ngành GDĐH Australia. Theo thống kê, thu nhập của SV tại Australia đã giảm khoảng 20% trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, mặc dù số lượng người học tăng. Tuy nhiên, một số SV triển vọng có thể được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng.

Ngày 13/3, chính phủ Australia tuyên bố sẽ tạm thời cho phép SV quốc tế làm thêm tại các siêu thị lớn, nhằm bảo đảm mọi quầy hàng có đủ sản phẩm, trước bối cảnh người dân hoảng loạn mua đồ do Covid-19.

Cũng theo ông Norton, SV có thể có cơ hội việc làm trong lĩnh vực chăm sóc y tế và trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, giáo sư này nhấn mạnh rằng, các công việc chính dành cho HS, SV như trợ lý bán hàng, bồi bàn đều cần sự tương tác thường xuyên giữa người với người.

Ông Norton cho biết, 30% SV nước này được làm việc toàn thời gian tại các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống và giải trí - những ngành công nghiệp sẽ bị tê liệt bởi lệnh cấm. Trong khi đó, 28% người học làm việc trong các chuỗi bán lẻ cũng sẽ chịu tác động tiêu cực.

Tại Australia, mặc dù 78% SV làm việc toàn thời gian không có ngày nghỉ phép, nhưng một số nhà tuyển dụng lớn ở nước này cam kết sẽ trả lương cho cả nhân viên nghỉ làm vì nhiễm Covid-19.

Giáo sư Norton khẳng định, tình hình của SV quốc tế là “mối quan tâm đặc biệt”, bởi những người học này không đủ điều kiện nhận hỗ trợ thu nhập và nhiều người không có gia đình ở Australia.

Trước tình hình này, một số trường ĐH Australia đã đưa ra những biện pháp nhằm giảm tác động của đại dịch đối với tài chính của nhân viên trong trường. Các trường ĐH ANU, Deakin và Monash đang mở rộng điều kiện nghỉ phép đặc biệt cho nhân viên. Trong khi đó, Trường ĐH Macquarie và Sydney cam kết sẽ bồi thường cho nhân viên trong trường hợp nhà trường phải tạm đóng cửa.

Nhiều người học nhiễm Covid-19

Trước bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, các trường ĐH tại Australia đã giảng dạy trực tuyến do nhiều SV được ghi nhận nhiễm Covid-19.

Mới đây, Trường ĐH Queensland (UQ) quyết định giảng dạy trực tuyến trong một tuần từ ngày 16/3. Đại diện UQ cho biết, vào ngày 23/3, SV sẽ nhận được các bài giảng trực tuyến, trong khi hướng dẫn, thực hành và thí nghiệm sẽ được tiến hành trực tiếp.

Động thái này được đưa ra sau khi một người học tại trường được ghi nhận nhiễm Covid-19 vào ngày 14/3. UQ thông báo sẽ mở cửa trường trong tuần này. Ngoài ra, thư viện, không gian học tập và khu vực ăn uống vẫn sẽ có nhân viên. Do đó, người học có thể tới trường như bình thường.

Trường ĐH Notre Dame Australia được cho là đang chuyển sang giảng dạy từ xa đối với một số khóa học tại Fremantle, Tây Australia. Hãng tin ABC cho hay, các SV khoa điều dưỡng và hộ sinh đã được thông báo rằng, bài giảng, hướng dẫn và thí nghiệm sẽ được thực hành trực tuyến từ ngày 16/3. Người học cũng được khuyến cáo không đến trường trong thời điểm này.

Trường ĐH Flinder ở Nam Australia đã thông báo sẽ “tiếp tục hoạt động như bình thường” theo lời khuyên của chính phủ liên bang. Tuyên bố cũng nhấn mạnh, các bài giảng đã được ghi lại để xem trực tuyến. Do đó, SV và nhân viên nên cập nhật trên trang web, Twitter và Facebook nhà trường.

Tại bang Victoria, Trường ĐH Deakin cho hay, các cơ sở của trường “vẫn mở cửa và là nơi an toàn”. Thông báo đồng thời kêu gọi SV và nhân viên tiếp tục tới trường theo kế hoạch. “Chúng tôi sẽ chuyển dần từ đào tạo trực tiếp sang các hình thức phân phối trực tuyến”, nhà trường nói thêm về kế hoạch trong những ngày tới.

Cuối tuần qua, hai tổ chức GDĐH lớn nhất Sydney là Trường ĐH New South Wales (UNSW) và Trường ĐH Sydney đã ghi nhận các trường hợp SV nhiễm Covid-19.

Trong khi đó, Trường ĐH Sydney khẳng định đã khử trùng 6 địa điểm trong khuôn viên chính, ngay sau ca nhiễm Covid-19 trong trường. “Lời khuyên hiện tại là tất cả mọi người nên tới trường như bình thường”, nhà trường cho biết trong một thông báo.

Mới đây, Australia đã yêu cầu tất cả du khách quốc tế và những công dân trở về từ nước ngoài tự cách ly 14 ngày. Nước này cũng áp dụng biện pháp hạn chế đi lại đối với những người từ Trung Quốc, Italy, Iran và Hàn Quốc.

Chính phủ Australia đã cấm các cuộc tụ họp với sự tham dự của trên 500 người. Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng đối với các trường học, nơi làm việc, trung tâm giao thông công cộng và khu mua sắm. Mới đây, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh, “sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai”.

Theo Times Higher Education

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ