Các biện pháp bao gồm việc nối lại xử lý các đơn xin thị thực mà các sinh viên nộp ở nước ngoài để du học sinh có thể tới Australia ngay sau khi biên giới mở cửa trở lại, theo đó các sinh viên quốc tế đang theo học ở Australia, nhưng do dịch bệnh nên không thể hoàn thành việc học trong thời hạn thị thực đã được cấp, cũng có thể nộp đơn xin gia hạn thị thực mà không phải nộp phí.
Ngoài ra, đối với những ứng viên cần đáp ứng điều kiện về trình độ tiếng Anh, thời gian cho việc cung cấp kết quả tiếng Anh cũng được kéo dài hơn.
Trong khi đó, những sinh viên đã được cấp thị thực, nhưng đang phải học trực tuyến bên ngoài Australia cũng có thể được xem xét cấp thị thực đi làm sau khi tốt nghiệp và họ có thể nộp đơn xin thị thực này ở nước ngoài.
Theo quyền Bộ trưởng Di trú Australia Alan Tudge, những biện pháp trên sẽ hỗ trợ sự phục hồi của lĩnh vực giáo dục quốc tế, cũng như đem lại lợi ích cho các cộng đồng và doanh nghiệp Australia hoạt động trong các dịch vụ lưu trú, du lịch, khách sạn và bán lẻ.
Cũng chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Giáo dục Dan Tehan cho biết giáo dục quốc tế không chỉ giúp xây dựng mối liên hệ giữa Australia và với phần còn lại của thế giới mà còn hỗ trợ một số lĩnh vực quan trọng như y tế, chăm sóc người già và người khuyết tật.
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở Australia, chính phủ nước này đã nới lỏng một số hạn chế cho sinh viên quốc tế làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, người già và người khuyết tật, tuy nhiên hầu hết trong số 565.000 sinh viên quốc tế ở Australia không được hưởng các trợ cấp của chính phủ và nhiều người đã gặp khó khăn trong cuộc sống.
Thống kê cho thấy lượng người nhập cư vào Australia trong năm nay dự kiến sẽ giảm hơn 85% so với mức của năm 2018-2019 do các lệnh cấm đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Các trường đại học Australia cảnh báo sẽ bị thiệt hại tới 16 tỷ AUD (gần 11 tỷ USD) doanh thu trong 4 năm tới do các lệnh cấm đi lại trên.