Theo thống kê, từ ngày 27 đến mùng 3 Tết Kỷ Hợi, các bệnh viện trong cả nước tiếp nhận 3.442 người cấp cứu sau khi đánh nhau, trong đó, 11 trường hợp tử vong.
Một con số không thể coi là bình thường, thậm chí phải coi là bất thường bởi nó diễn ra vào những ngày Tết, thời điểm mà lẽ ra mọi người trong cộng đồng phải đối xử hài hòa, thân thiện nhất.
Nếu như Tết năm ngoái, các cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận 2.800 ca cấp cứu do đánh nhau, trong đó 8 người tử vong thì Tết này các bệnh viện đã phải tiếp nhận 3.442 người đến cấp cứu sau khi đánh nhau. Trong đó 11 trường hợp đã tử vong vì lý do ẩu đả.
Đây là những con số nhức nhối. So với số lượng thống kê từ các cơ sở y tế của nhà nước, con số này chắc chắn sẽ nhiều hơn trong thực tế và khả năng sẽ còn tăng nhiều cho đến mùng 7 tháng Giêng, hết kỳ nghỉ Tết.
Niềm vui ngày xuân đột ngột dừng lại một cách hụt hẫng đối với không ít gia đình khi tết có người thân phải ở trong bệnh viện, phải đến đồn công an hoặc đau xót hơn là “vĩnh viễn không được trở về nhà” vì lý do đánh nhau.
Một khi sự cố ẩu đả, gây thương tích xảy ra, không chỉ người trong cuộc mà gia đình, người thân, bạn bè, xóm giềng... đều bị ảnh hưởng, làm tết mất vui, ý nghĩa ngày đầu xuân không còn.
Không ít người dân khi được hỏi đều bày tỏ thái độ không đồng tình với tình trạng ép rượu dịp Tết gây ra những hệ lụy khó lường, trong đó có việc gia tăng số vụ ẩu đả trong dịp Tết.
Có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp, phổ biến nhất là từ tệ nạn rượu bia ngày tết. Tết là thời điểm rượu bia được tiêu thụ nhiều nhất trong năm. Chén rượu ngày xuân vốn là lễ nghi giao tiếp nhân văn thì bị biến tướng thành nạn nhậu nhẹt. Uống rượu bia không có điểm dừng, uống không kiểm soát được lý trí, cảm xúc bản thân, đó là nguyên nhân để “rượu vào lời ra”, dẫn đến cãi vả, gây xô xát, đánh nhau.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ẩu đả trong dịp tết, không phải chỉ do một nguyên nhân từ rượu bia. Sự cố đánh nhau với ai đó có thể là nhất thời, là phút giây thiếu kiềm chế bản thân, nhưng gốc gác của vấn đề bắt nguồn từ quá trình tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người.
Phân tích từ góc độ xã hội học, PGS.TS Giảng viên Cao cấp Phạm Hương Trà cho rằng: “Việc ẩu đả ngày Tết có nhiều nguyên nhân từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan khác. Về cơ bản nguyên nhân chủ quan từ hành vi của mỗi cá nhân. Đôi khi do sự sỹ diện của bản thân, có thể từ 1 câu nói mà không kiểm soát được hành vi của mình.
Cũng có thể do 1 chút men rượu ngày Tết làm cho họ không kiểm soát được ngôn ngữ cũng như hành vi dẫn đến vụ ẩu đả. Cũng có thể do quá trình của mỗi cá nhân do không tự giáo dục, để kiểm soát hành vi của mình”.
Có thể nói không lúc nào tình người ấm nồng bằng dịp tết. Lẽ ra “sợi dây liên kết” giữa cá nhân - gia đình - xã hội thắt chặt hơn lúc nào hết, thế mà con số người nhập viện, người tử vong vì đánh nhau đang có chiều hướng tăng lên trong dịp tết những năm gần đây là điều đáng lo ngại.
Do đó, mỗi người trưởng thành phải tự chịu trách nhiệm về bản thân trước pháp luật, gốc gác là quá trình tu dưỡng, rèn luyện của bản thân. Đồng thời, trước tệ nạn đánh nhau gây thương tích, án mạng ngày tết, các cơ quan, chính quyền, đoàn thể của địa phương cần tăng cường vai trò trách nhiệm, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, trước hết là giáo dục pháp luật, lấy công tác ngăn ngừa là chính để Tết đến thật sự là thời điểm mà mọi người trong cộng đồng đối xử hài hòa và thân thiện nhất.