Hệ thống này được trình bày chi tiết trong một đăng ký sáng chế mới được công bố ngày hôm qua của Apple. Và nhiều khả năng "nhà Táo" sẽ tích hợp một số phiên bản của công nghệ này vào các sản phẩm iPhone và iPad trong tương lai.
Apple đang hướng tới một hệ thống mà theo đó, khi ai đó cố gắng khởi động hay kích hoạt iPhone sẽ dẫn đến việc thu thập thông tin sinh trắc học khi họ đang cầm thiết bị trên tay. Việc truy cập trái phép có thể đến từ một thiết bị của bên thứ ba hoặc người sử dụng trái phép muốn vượt qua các tính năng bảo mật của điện thoại.
Theo trang tin The Verge, bản tóm tắt chỉ ra rằng những thông tin sinh trắc học này "có thể là một hoặc nhiều dấu vân tay, một hoặc nhiều hình ảnh và video của người sử dụng hiện tại.
Ngoài ra còn có giao diện pháp lý về sử dụng thông tin và một số chi tiết khác. Phương tiện tính toán sau đó sẽ cung cấp những thông tin sinh trắc học được lưu trữ về người dùng hợp pháp của thiết bị để xác định người xâm nhập trái phép".
Tuy nhiên, kế hoạch của Apple vẫn đang tồn tại một số rào cản kỹ thuật nhất định. Hiện tại, công nghệ cảm biến vân tay trên các thiết bị của "nhà Táo" yêu cầu người dùng sử dụng ngón tay tiếp xúc với Touch ID nhiều lần ở các góc độ khác nhau để thu được dấu vân tay chuẩn xác nhất.
Có ý kiến cho rằng, Apple sẽ không đưa ra một hệ thống phụ thuộc hoàn toàn vào việc vô tình ấn ngón tay vào nút Home nhiều lần của người xâm nhập trái phép. Các phiên bản trong tương lai của Touch ID và máy quét dấu vân tay của Apple có thể sẽ có khả năng thu thập dấu vân tay theo cách hiệu quả và đơn giản hơn.
Đó là vấn đề của tương lai, còn ở thời điểm hiện tại và trong ngắn hạn, việc bí mật chụp ảnh, quay video và ghi âm ở cấp độ hệ thống sẽ cho phép một chiếc iPhone bị đánh cắp cung cấp một số thông tin hữu ích về người đang cố gắng truy cập trái phép và giúp các nhà chức trách xác định được nghi phạm.
Ngoài ra, một số ứng dụng và dịch vụ khác cũng đã từng áp dụng công nghệ này trước đó. Ví dụ, Lookout là một ứng dụng iOS và Android tự động chụp ảnh bằng camera trước khi phát hiện những hành vi đáng ngờ như can thiệp vào các thiết lập bảo mật của thiết bị.
Hiện Apple đang tính toán về việc đưa công nghệ tương tự vào các phiên bản tương lai của iOS. Kế hoạch của công ty cũng chỉ ra cách để có thể đồng thời lưu trữ và kiểm tra chéo thông tin với cơ sở dữ liệu trực tuyến.
Tuy mới chỉ là kế hoạch nhưng các tính năng bảo mật của Apple có thể gây ra một số lo ngại về quyền riêng tư và tính hợp pháp. Nếu Apple có phương pháp bí mật nắm bắt và lưu trữ thông tin sinh trắc học, ngay cả khi đây là một tính năng có thể lựa chọn và được thiết kế để bảo vệ người sử dụng thì nó vẫn có thể ảnh hưởng tới danh tiếng của công ty liên quan đến vấn đề bảo mật người dùng.
Giám đốc điều hành Tim Cook dường như rất tự hào về những quyết định không lưu trữ bất kỳ thông tin mã hóa nào của khách hàng và việc bảo vệ chặt chẽ quyền riêng tư của họ ngay cả khi phải đối mặt với các cuộc điều tra của FBI.
Chính vì vậy, nhiều người dùng vẫn đặt niềm tin vào chính sách bảo mật tương đối tốt của "nhà Táo" và hy vọng công nghệ tương lai sẽ có thể giúp họ bảo vệ tài sản của mình tốt hơn.