(GD&TĐ) - Sáng nay (28/10), tại Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Đại học Hawaii và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo APEC 2011-Cơ hội mới của Việt Nam nằm trong nội dung chương trình Dự án Phát triển bền vững Trung tâm học liệu ĐH Đà Nẵng.
Dưới sự chủ trì của GS.TS Bùi Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của APEC (Hawaii, Hoa Kỳ); TS. Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng); ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, CTHĐQT Tổng công ty Seatech cùng nhiều doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hội thảo không những tạo cơ hội tiếp xúc, trao đổi giữa doanh nghiệp với các trường đại học và các bạn trẻ sinh viên mà còn là dịp để chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC 2011 tại Honolulu (Hawaii, Hoa Kỳ) vào đầu tháng 11 tới.
Hội thảo là nơi gặp gỡ giữa doanh nghiệp với các trường đại học và sinh viên, học sinh. |
Mở đầu Hội thảo, GS.TS Bùi Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của APEC (Hawaii, Hoa Kỳ) đã nêu lên được bối cảnh chung thế giới trước thềm Hội nghị thưởng đỉnh APEC 2011, khi các quốc gia phát triển có tốc độ tăng trưởng chậm lại do cầu yếu, sự chấm dứt các gói cứu trợ và sự bất ổn về tài chính, sự căt giảm các chính sách hỗ trợ, những chính sách tài khóa và tiền tệ truyền thống đã không kéo dài tình trạng bất ổn, cộng với tỷ lệ thất nghiệp cao. Tình hình có tốt hơn ở các quốc gia đang phát triển khi trong thời gian qua đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá, nhưng nền kinh tế vĩ mô còn tồn tại những yếu kém, lạm phát cao. Theo đó, bối cảnh thương mại toàn cầu xẩy ra theo chiều hướng tăng cương thương mại quốc tế (xuất khẩu toàn cầu tăng 6,5% trong năm 2011), tăng cường trao đổi thương mại khu vực và suy giảm tầm quan trọng tương đối của thương mại giữa các nước đang phát triển với đã phát triển.
Trên quan điểm vĩ mô, GS.TS Bùi Xuân Tùng nêu lên những vấn đề, thách thức của nền kinh tế, đối với Mỹ và các quốc gia phát triển khác phải chứng minh khả năng xử lý bất ổn tài khóa của mình, đồng thời tìm biện pháp giảm thâm hụt ngân sách trong khi không tổn hại các nước đang phát triển và giảm rủi ro khủng hoảng kép. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển có cán cân thương mại thặng dư phải nỗ lực tăng cương phát triển kinh tế nội địa, chia sẻ kế hoạch giảm lạm phát và phân hóa thu nhập, tiếp tục thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế - kỹ thuật.
Cùng chung ý kiến nhưng trên quan điểm vi mô khá cụ thể, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Seatech nêu lên một số thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi tham gia “sân chơi” APEC là: Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp VN nhìn chung còn yếu, các năng lực sản xuất, công nghệ, vốn, kinh nghiệm quản lý đều kém sức cạnh tranh so với mặt bằng chung. Do vậy, khả năng cạnh tranh cũng theo đó chưa thể so sánh được với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề. Đa số các doanh nghiệp VN chưa có nhận thức sâu về các chương trình hợp tác APEC. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ, không quan tâm tới vai trò và lợi ích mà APEC mang lại. Về phái Chính phủ đã có những nỗ lực cần thiết nhưng chưa đủ so với tiềm năng tạo nên cơ hội lớn cho quá trình hợp tác APEC. Theo đó, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực cũng còn nhiều hạn chế và bản thân mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước còn nhiều sự yếu kém.
Tham gia trao đổi tại Hội thảo APEC 2011 - Cơ hội mới của Việt Nam cũng đã có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh vấn đề hoạt động hợp tác, liên kết kinh doanh, sản xuất trong khu vực và quốc tế; vai trò của chính phủ khi VN là thành viên APEC; những rào cản về thuế quan, pháp luật; môi trường mới cho linh vực kinh doanh phần mềm, công nghệ thông tin… và một số lĩnh vực liên quan khác.
Một khi Việt Nam đã là thành viên của APEC, thì các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn lớn, nhưng Hội thảo nhấn mạnh rằng, cơ hội mới cũng rất lớn đang chờ các đón các doanh nghiệp Việt Nam. Tự do hóa thương mại và đầu tư trong APEC đang tập trung vào việc tăng cương tiếp cận và mở cửa thì trường, cắt giảm và dần dần loại bỏ hoàn toàn các rào cản thuế quan và phi thuế quan. Thông qua các chương trình về hài hòa tiêu chuẩn, APEC đã xây dựng những thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực: thiết bị viễn thông, điện và điện tử, thực phẩm và đồ chơi. APEC còn xúc tiến và tạo ra các diễn đàn thương mại và đầu tư thuận lợi. Giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý. Cung cấp thông tin về chính sách và thuận lợi hóa đầu tư, bảo hộ đầu tư; ngoài cung cấp các thông tin về quy định, thủ tục hải quan, APEC còn cung cấp danh mục các điều khoản doanh nghiệp cần biết khi tiến hành kinh doanh với từng thành viên APEC cụ thể… Tham gia APEC, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường và trong khuôn khổ APEC cũng có nhiều cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC 2011, Hội thảo APEC 2011 – Cơ hội mới của Việt Nam là dịp để các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp đối chứng giữa hệ thống lý luận và thực tiễn hoạt động nhằm tìm một hướng đi cho tương lai của một nền kinh tế mở.
Đại Thắng