Vì không được xử lý kịp thời nên các thành viên trong gia đình F0 nói trên đều nhiễm virus mà không nhận được bất kì sự quan tâm, chăm sóc nào của y tế địa phương. Lo lắng cho sự an toàn của gia đình người bệnh và hàng xóm, cư dân cùng tòa nhà đã phải “kêu cứu” trên mạng xã hội, mong thu hút sự chú ý của dư luận và chính quyền.
Chuyện như vậy tưởng chừng chỉ diễn ra cách đây vài tháng ở thời điểm TPHCM đang là tâm dịch, hệ thống y tế không thể đáp ứng do số lượng bệnh nhân tăng cao đột biến.
Sự việc khiến nhiều người cảm thấy từ khó tin đến lo ngại nếu đặt mình trong hoàn cảnh của gia đình F0, nhất là trong bối cảnh, Hà Nội đưa ra nhiều định hướng, chỉ đạo được xem là sâu sát và gắt gao trong việc kiềm chế dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số lượng F0 tử vong.
Rõ ràng là từ chỉ đạo, báo cáo đến thực tế vẫn còn những khoảng cách. Chả thế mà ngay tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành về công tác phòng, chống dịch Covid-19, chiều 16/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu: “Tôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh, kể cả của anh em y tế bên dưới và anh em báo chí, thực tế nhiều nơi người bị nhiễm vẫn không được phát thuốc kháng virus và nhiều người phải nhờ vả, thậm chí tìm mọi cách để mua. Như vậy, giữa báo cáo của Bộ và phản ánh từ cơ sở có độ vênh”.
Lý giải về trường hợp F0 bị “bỏ quên” ở Linh Đàm, đại diện lãnh đạo phường Hoàng Liệt xác nhận tình trạng y tế cơ sở quá tải do người mắc Covid-19 tăng cao và việc di chuyển F0 phụ thuộc cơ sở thu dung có tiếp nhận hay không.
Tình trạng quá tải ở tuyến y tế cơ sở đã bắt đầu xuất hiện ở một số địa phương của Hà Nội, trong khi ghi nhận số ca mắc đang có xu hướng tăng. Báo điện tử Vnexpress cho hay, xuất hiện hiện tượng người dân tự ý xét nghiệm và tìm đến các bệnh viện để được điều trị Covid-19 vì lo lắng.
Một số người không được cán bộ y tế địa phương hướng dẫn; trạm y tế địa phương rất đông bệnh nhân, số lượng mẫu xét nghiệm lại lớn nên người bệnh không được quan tâm chu đáo. Các quận như Đống Đa, Nam Từ Liêm hay như phường Hoàng Liệt... đều phản ánh tình trạng nhân viên y tế quá tải và thiếu nhân lực.
Mặc dù, Hà Nội thông báo đã lên kịch bản chuẩn bị cho tình huống số ca mắc lên đến 3.000 ca/ngày và triển khai nhiều kế hoạch, luôn sẵn sàng ứng phó, nhưng để xảy ra những việc như ở HH3A Linh Đàm vừa rồi, không khỏi khiến nhiều người lo ngại về khoảng cách giữa báo cáo và thực tế.
Không ai mong thực tế sẽ chứng minh cho những gì Hà Nội đã nói và sẽ làm là không có khoảng cách, nhưng có một áp lực mà ai cũng có thể nhận thấy đang đè nặng lên những người làm công tác y tế ở tuyến cơ sở. Bởi như Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhận định: “Thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở”.