Áp lực khi là 'bà giáo' mầm non

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, quy định nữ giáo viên mầm non nghỉ hưu ở tuổi 60 là chưa phù hợp. 

Cô trò Trường Mầm non Tân Thái (huyện Đại Từ - tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: INT
Cô trò Trường Mầm non Tân Thái (huyện Đại Từ - tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: INT

Các ý kiến đề xuất, nên giữ quy định tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi để tương đồng với đặc thù công việc.

Yêu cầu ngày càng cao

Ở tuổi 54, cô Lê Thị Thu Hằng – giáo viên chủ nhiệm lớp B4 (mẫu giáo 4 tuổi), Trường Mầm non Chăm Mát (TP Hòa Bình) tự nhận mình “tụt hậu” hơn so với giáo viên trẻ. Dù sức khỏe vẫn tốt, kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ không thua kém các giáo viên trẻ nhưng cô Hằng thừa nhận, ở tuổi ngoài 50 không thể tinh nhanh bằng thế hệ sau, nhất là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục; trong khi chương trình giáo dục mầm non có nhiều đổi mới, yêu cầu ngày càng cao.

Từ thực tế của bản thân, cô Hằng cho rằng, với giáo viên mầm non nên nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi. “Về mặt tâm lý, cả phụ huynh và trẻ đều thích cô giáo trẻ hơn những cô già. 59 - 60 tuổi là “bà giáo” thì đúng hơn” – cô Hằng nói và chia sẻ: Dạy trẻ mầm non, ngoài yếu tố kinh nghiệm cần cả sự tinh nhanh và phản xạ tốt để bảo đảm an toàn cho trẻ. Mà yếu tố này sẽ ngày càng kém khi qua tuổi 50.

Cô Trần Thị Hiền Hòa – giáo viên Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam) cho rằng, nên giữ quy định giáo viên mầm non nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi. Ở tuổi 60, cô giáo mầm non sẽ giảm sút về sức khỏe, không còn độ nhanh nhẹn, linh hoạt. Ngoài ra, sự sáng tạo để thực hiện các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ cũng sẽ hạn chế hơn so với cô giáo trẻ. Hơn nữa, sức cuốn hút của cô giáo già với trẻ nhỏ cũng không còn. Vì thế, từ 55 tuổi trở lên vẫn phải đến lớp là một thách thức và áp lực với giáo viên mầm non.

Cô Lê Thị Thu Hằng – Trường Mầm non Chăm Mát (TP Hòa Bình) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Cô Lê Thị Thu Hằng – Trường Mầm non Chăm Mát (TP Hòa Bình) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Cũng theo cô Hiền Hòa, giáo viên mầm non vất vả, phải luôn chân luôn tay từ sáng đến tối. Khi trẻ ngủ trưa, cô giáo phải thức để quan sát. Sau một ngày làm việc, tối đến về nhà, các cô lại giáo án, nghiên cứu bài học để ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục. “Ở tuổi 60 vẫn phải đi sớm về muộn sẽ khá vất vả cho cô. Do vậy, quy định giáo viên mầm non nghỉ hưu khi đủ tuổi 55 sẽ là phù hợp với chúng tôi” – cô Hiền Hòa bộc bạch.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Anh Hải – Hiệu trưởng Trường Mầm non Chăm Mát (TP Hòa Bình) trao đổi, đặc thù nghề nghiệp của cô giáo mầm non rất khác so với các cấp học còn lại. Vì thế, cô giáo tuổi cao sẽ khó đáp ứng được một số yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục mầm non. “Vẫn biết, các cô giáo tuổi cao sẽ có kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, khả năng, năng lực chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin, độ nhanh nhạy sẽ hạn chế hơn so với giáo viên trẻ. Vì thế, không nên kéo dài thời gian làm việc đến 60 tuổi cho các cô giáo mầm non” – cô Hải nói.

Cô Trần Thị Hiền Hòa – Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam) hướng dẫn trẻ tham gia trò chơi âm nhạc. Ảnh: NVCC

Cô Trần Thị Hiền Hòa – Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam) hướng dẫn trẻ tham gia trò chơi âm nhạc. Ảnh: NVCC

Nên nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi

Cô Phạm Thị Vân – Chuyên viên phụ trách giáo dục mầm non, Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải (Yên Bái) cho hay, đặc thù công việc của giáo viên mầm non là đi sớm, về muộn. 6 giờ 30 phút, giáo viên phải ở trường để đón trẻ. Buổi trưa, các cô ở lại chăm sóc trẻ ăn bán trú. Buổi chiều, sau khi trả trẻ xong, giáo viên dọn dẹp, vệ sinh lớp học mới được về nhà. Với giáo viên vùng cao, có khi 18 giờ 30 phút đến 19 giờ mới về đến nhà.

“Từ thực tế nêu trên, ngoài việc tán thành với đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi, tôi kiến nghị với vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi, giáo viên mầm non có thể được nghỉ hưu khi đủ 50 tuổi” - cô Vân nêu ý kiến.

Ngoài ra, giáo viên mầm non phải “đa di năng”, làm tất cả công việc từ múa hát, chạy nhảy, cho đến chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì thế, khi tuổi cao, các cô sẽ ngại tham gia các hoạt động này. Đặc biệt, với vùng cao như Mù Cang Chải, có những điểm bản cách điểm trường chính 20 - 30km, giao thông đi lại khó khăn, nhiều đường đèo, dốc núi, thời tiết lại khắc nghiệt. Vì thế, việc phân công giáo viên cao tuổi “cắm bản” sẽ gặp khó khăn, thậm chí áp lực với các cô.

Tán thành với đề xuất, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi, PGS.TS Bùi Thị Lâm - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, giáo viên mầm non làm công việc nặng nhọc và chịu nhiều áp lực. Tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm nên có thể không bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục; đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ.

Hiện, cấp học mầm non có gần 369.000 giáo viên. Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với lao động nam vào năm 2028, đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Một khảo sát của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy cho thấy, có tới 93% ý kiến đề nghị cho nữ giáo viên thể chất được về hưu ở tuổi 55. 97% ý kiến đề nghị cho nữ giáo viên mầm non về hưu 55 tuổi.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), hiện nay quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 60 tuổi. Quy định này chưa phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non. Do đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất cho phép giữ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non là 55 tuổi thay vì tăng lên 60 tuổi để phù hợp với đặc thù lao động của đội ngũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ