(GD&TĐ) - Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh ở các tỉnh vội vã đổ về TP.HCM sớm để tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi chỉ ba tuần để đăng ký luyện thi ĐH. Những ngày này, rảo qua các trung tâm luyện thi, các cổng trường THPT ở TP.HCM đều thấy rợp trời băng rôn tiếp thị các khóa luyện thi ĐH cấp tốc với lời rao “đảm bảo đậu”, “không đậu trả lại tiền” như càng kích thích các thí sinh tìm đến.
Ảnh minh họa/internet |
Không chỉ thí sinh ĐH, nửa tháng trước ngày thi, các thí sinh lớp 10 cũng đang “khổ luyện” trong các trung tâm, các trường với lịch học kín mít từ sáng sớm đến chiều tối. Điều buồn cười, các cháu mẫu giáo, lớp 1 cũng căng thẳng không kém, cũng đang đánh vật với các khóa luyện thi cấp tốc về kỹ năng phát âm, kỹ năng nhận dạng đồ vật… hòng tìm một chỗ ngồi trong những ngôi trường “mơ ước”.
Chưa hết, vừa mới nghỉ hè chưa được bao lâu, từ 1-6 nhiều trường ngoài công lập đã tập trung học sinh cho năm học mới. Các trường công lập cũng hối hả thông báo từ 1-7 tập trung học hè đồng loạt, “học sinh nào không đăng ký sẽ bị chuyển lớp”!
Hầu như học sinh phải học quanh năm. Các em không còn thời gian nghỉ hè, không còn thời gian dành cho các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao.
Mới đây, trên chuyên mục giáo dục báo SGGP, một phụ huynh tâm sự có con đang chuẩn bị thi ĐH thì đột nhiên đổ bệnh. Cháu có các biểu hiện đãng trí, cáu gắt… Phụ huynh kể có lần đưa một bài toán khá dễ, bình thường cháu làm được, nay thì bối rối không giải được. Tập vở học xong thay vì để kệ sách thì cháu mang bỏ chung vào tủ quần áo… Vị phụ huynh cho biết do sắp đến ngày thi gia đình có lo lắng bắt ép cháu học hơi nhiều. Ngoài học trên nhà trường, cháu còn học thêm ở trung tâm. Tối về nhà còn làm bài tập tới 1-2 giờ sáng. Đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cháu bị chứng rối loạn tâm thần. Hiện cháu đành dang dở việc học dù ngày thi sắp đến.
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Cứ vào mùa thi cử, các bệnh viện lại tiếp nhận một số lượng lớn sĩ tử nhập viện vì rối loạn tâm thần. Theo các bác sĩ, nguyên nhân của rối loạn tâm thần chủ yếu là do do áp lực học hành, thi cử.
Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần cắt giảm chương trình, cải tiến cách ra đề thi như nội dung nằm trong chương trình, không đánh đố, ra theo hướng mở… Những biện pháp trên nhằm giảm tải chương trình, kéo giảm số sĩ tử đến các “lò” luyện thi, nhưng nhìn chung áp lực học hành, thi cử vẫn còn nặng.
Một nguyên nhân khác là từ phía gia đình. Hiện có một bộ phận không nhỏ bậc phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao vào con em mình, coi việc đỗ ĐH hay được tuyển vào trường này trường kia của con em là niềm tự hào của gia đình; từ đó bắt ép con em học quá nhiều đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi. Vô tình họ đẩy con em họ vào tình trạng phải “bơi” liên tục để được nằm trong tốp dẫn đầu và cuối cùng không ít em phải “chìm” vì đuối sức.
Một nguyên nhân quan trọng không kém là từ phía nhà trường. Để giữ vững danh hiệu thi đua, đồng thời để tạo thêm nguồn thu nhiều trường tổ chức dạy thêm, tăng tiết đồng loạt. Không ít phụ huynh ca thán trước kỳ thi THPT vừa rồi con em họ phải học nhồi học nhét, bị giữ lại kiểm tra cho đến khi thuộc bài mới được về nhà; có em ra về gần nửa đêm!
Một khảo sát của trang web Research site for future kids (Mỹ) cho thấy ở các nước phương Tây như Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển, Anh… học sinh học và làm bài tập chủ yếu tại lớp. Thời gian ngoài nhà trường, học sinh dành cho việc rèn luyện thể dục thể thao, học các môn năng khiếu như âm nhạc, hội họa… Theo các nhà khoa học, một nếp sinh hoạt hài hòa như vậy sẽ làm các em phát triển tốt cả trí tuệ và thể chất.
Rõ ràng, muốn làm thay đổi áp lực học hành trong một sớm một chiều không phải dễ, mà cần có một giải pháp tổng thể và đồng bộ từ nhiều phía.
Từ Nguyên Thạch