Áp lực của cảnh sát dẫn giải gã giang hồ nhiễm HIV

Đưa bị can nhiễm HIV đến nơi xét xử, cảnh sát phải mang bao tay, mặc áo dài tay và luôn trong tư thế phòng ngừa tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Áp lực của cảnh sát dẫn giải gã giang hồ nhiễm HIV

TAND tỉnh Kiên Giang vừa xét xử vụ giang hồ nổ súng bắn chết hai người chấn động Đảo Ngọc, xảy ra ngày 1/8/2015, tại quán bar Lion Garden ở khu phố 7, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc. Những người đến Nhà văn hóa tỉnh Kiên Giang xem xử lưu động đã thấy một số cảnh sát mang bao tay đen, mặc áo dài tay và khoác áo giáp khi áp giải bị cáo đầu vụ là Đỗ Thanh Sơn, còn gọi là Tuấn Em.

Bị cáo 33 tuổi này được xác định đã nhiễm HIV giai đoạn cuối. Vì vậy, từ 3 tuần trước, lực lượng làm nhiệm vụ của Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC81, Công an Kiên Giang) phải xây dựng kế hoạch dẫn giải bị cáo, bảo vệ phiên tòa lưu động một cách an toàn tuyệt đối.

Hai cảnh sát mang bao tay, áo dài tay và khoác thêm áo giáp khi áp giải Tuấn Em. Ảnh: Việt Tường.
Hai cảnh sát mang bao tay, áo dài tay và khoác thêm áo giáp khi áp giải Tuấn Em. Ảnh: Việt Tường.

Đại tá Đỗ Ngọc Yên, Trưởng phòng PC81 cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài Tuấn Em còn có thêm 7 bị cáo (1 tại ngoại) liên quan đến 5 tội danh nên đơn vị đã lập quy trình hỗ trợ tư pháp theo quy định của Bộ Công an.

Ngoài người chỉ huy, 3 cấp phó của ông Yên cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ được huy động vào kế hoạch bảo vệ phiên tòa. Tất cả các phương án, từ chính thức cho đến dự phòng đều được Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang phê duyệt. Trong đó, đặc biệt là cách phòng những sự cố nguy hiểm có thể xảy ra đối với lực lượng áp giải Tuấn Em.

Khi vây bắt Tuấn Em vào ngày 4/8/2015, một cảnh sát bị thương dưới bàn chân và đạp lên máu của gã giang hồ trong căn nhà hoang. Anh này phải lên TP HCM điều trị chống phơi nhiễm HIV hơn một tháng.

Đối với hai chiến sĩ luôn áp sát Tuấn Em, lãnh đạo PC81 đã động viên tinh thần trước khi làm nhiệm vụ. Những cảnh sát này nói rằng, áp lực đối với họ là không thể tránh khỏi vì có thể đối mặt với tình huống xấu khi bị cáo nhiễm HIV manh động. Tuy nhiên, vì trách nhiệm của người công an nhân dân nên anh em nghiêm túc chấp hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao.

Theo vị lãnh đạo PC81 Kiên Giang, đây không phải lần đầu tiên họ áp giải bị cáo nhiễm HIV ra tòa hoặc đưa lên trại giam của Bộ Công an để chấp hành án. Những lần trước, cảnh sát cũng mặc áo dài tay, mang bao tay, luôn trong tư thế sẵn sàng phòng ngừa tình huống xấu.

"Biết anh em bị áp lực nặng nề nên sau phiên xử họ được phép nghỉ một buổi để tinh thần ổn định", đại tá Yên nói.

Gã giang hồ nhìn về phía những người ngồi sau lưng bàn thư ký và dùng tay ra ký hiệu. Ảnh: Việt Tường.
Gã giang hồ nhìn về phía những người ngồi sau lưng bàn thư ký và dùng tay ra ký hiệu. Ảnh: Việt Tường.

Ngoài việc phòng ngừa phơi nhiễm HIV cho cán bộ, chiến sĩ khi áp giải bị cáo mắc bệnh hiểm nghèo, PC81 còn phối hợp với lực lượng cảnh sát bảo vệ, cảnh sát giao thông và phòng cháy, chữa cháy để giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ…

Trong hai ngày diễn ra phiên xử Tuấn Em và đồng phạm, mỗi buổi có khoảng 1.000 người đến sân Nhà văn hóa Kiên Giang để theo dõi. Trong đó, có không ít người được cho là dân "anh chị" từ Phú Quốc và TP HCM ngồi sau hàng rào thép gai bên phía bàn thư ký. Vì vậy, chó nghiệp vụ của công an cũng được đưa đến nơi xét xử và hàng chục cảnh sát cơ động đứng xung quanh.

"Chúng tôi phòng ngừa tình huống giải thoát bị cáo, bắt cóc con tin nên có khoảng 100 cảnh sát làm nhiệm vụ tại phiên xử lưu động. HĐXX và tài liệu, chứng cứ cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Khi tuyên án, cảnh sát được tăng cường vì người thân của bị cáo có thể bức xúc, đánh HĐXX", người đứng đầu PC81 Kiên Giang khẳng định.

Kết thúc phiên tòa, người bị tuyên án tử hình là Tuấn Em vẫn giữ được bình tĩnh, không có thái độ manh động. Gã giang hồ nói lớn với các đồng phạm: "Các em yên tâm, các em nhẹ tội là anh vui rồi".

Ông Minh Phụng (người anh kết nghĩa của Tuấn Em và tặng cho tên này khẩu rulo để bắn chết 2 người) đã lầm lũi theo cảnh sát lên xe bít bùng. Gặp người thân, bị cáo này nói: "Tôi lỡ gây ra tội, phải chấp nhận mức án mà pháp luật quy định. Anh em về đi, khỏi đi thăm tôi".

Nhiều cảnh sát cơ động phối hợp với PC81 Công an Kiên Giang để bảo vệ phiên tòa. Chó nghiệp vụ cũng được đưa đến nơi xét xử. Ảnh: Việt Tường.
Nhiều cảnh sát cơ động phối hợp với PC81 Công an Kiên Giang để bảo vệ phiên tòa. Chó nghiệp vụ cũng được đưa đến nơi xét xử. Ảnh: Việt Tường.

Trên đường về trại tạm giam, chỉ có Nguyễn Trọng Nghĩa (17 tuổi, đồng phạm Giết người với Tuấn Em) là muốn "nổi loạn". Thanh niên này la hét trên xe, đến nơi thì không chịu vào phòng tạm giam và có thái độ bất hợp tác với lực lượng hỗ trợ tư pháp.

"Gặp tình huống này chúng tôi khuyên bị cáo là họ còn 15 ngày để kháng cáo. Nếu không đồng ý với mức án HĐXX vừa tuyên thì chúng tôi đưa giấy, viết để làm đơn để có cơ hội giảm án. Khuyên nhủ nhẹ nhàng một lúc thì bị cáo không còn bức xúc nữa", đại tá Yên tâm sự.

Theo cáo trạng, Nguyễn Văn Chưởng là cán bộ hưu trí, từng công tác tại Công an TP HCM. Ông này đến Phú Quốc tháng 7/2015, gặp Ông Minh Phụng mua đất với giá rẻ và tặng đối tác 3 khẩu súng.

Trong thời gian này, Tuấn Em xảy ra mâu thuẫn với Nguyễn Quốc Bảo. Gã giang hồ có ý định sát hại đối phương nên Tuấn Em mua khẩu súng K59 và 7 viên đạn với giá 15 triệu đồng để giết Bảo nhưng bắn không nổ. Sau đó, Tuấn Em được Phụng tặng khẩu rulo nòng dài và 42 viên đạn.

Đêm 1/8/2015, Tuấn Em dùng “hàng nóng” bắn chết Bảo tại quán bar. Một trong hai phát súng làm đạn lạc, khiến chị Thái Thị Thanh Mai (sinh năm 1984) chết tại chỗ. Trên đường bỏ trốn, Tuấn Em báo cho Phụng và những người bạn của mình biết. Tên này cùng các thanh niên trong vụ án tìm cách hỗ trợ Tuấn Em.

Ngày 4/8/2015, Tuấn Em bị cảnh sát bao vây trong ngôi nhà vắng chủ ở xã Dương Tơ. Tên này không còn đường thoát nên đã ôm người tình của mình rồi nổ súng vào ngực nhằm tự tử.

Ngày 24/3, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên án tử hình đối với Tuấn Em; Nghĩa 13 năm tù. Các bị cáo còn lại mỗi người lĩnh 18 tháng đến 5 năm tù.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.