Trong bất kỳ thời đại nào, việc giáo dục trẻ em là vấn đề luôn được toàn xã hội quan tâm đặc biệt. Về phía các bậc làm cha làm mẹ, họ cảm thấy bị mắc kẹt trong một cuộc đua không bao giờ kết thúc, tìm mọi cách để chắc chắn rằng con mình luôn giỏi nhất và nổi bật nhất với những đứa trẻ cùng trang lứa khác.
Nhưng luôn có hai mặt của sự việc, sử dụng phương pháp giáo dục thúc ép, vô tình đẩy con trẻ vào tình thế quá nhiều cạnh tranh, khiến các em mệt mỏi và áp lực.
"Sự nghiệp" làm cha mẹ vốn chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với những ai mới lên chức thì con đường ấy càng khó khăn hơn. Vậy phải làm sao để ta giữ được ranh giới giữa ủng hộ và ép buộc con cái? Đâu là ranh giới giữa tạo động lực và gây áp lực lên con cái? Làm thế nào để con có thể khôn lớn theo cách hạnh phúc nhất?...
Tất cả câu trả lời sẽ có trong cuốn sách Học cách nói với con của tác giả Tanith Carey.
Tập hợp những nghiên cứu mới nhất được thử nghiệm trong các trường học trên khắp thế giới về cách thức xã hội cạnh tranh đang làm thay đổi cuộc đời của trẻ, kết hợp tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia tâm lý nổi tiếng, tác giả Tanith Carey cho ra đời cuốn sách Học cách nói với con.
Chắc chắn những kinh nghiệm quý báu trong cuốn sách sẽ giúp cha mẹ biết được cách tốt nhất để khuyến khích con cái phát triển một cách toàn diện.
Cuốn sách Học cách nói với con của tác giả Tanith Carey.
Cuốn sách được chia làm 3 chương, chương đầu tiên, tác giả đi sâu vào việc phân tích điều gì đã dẫn đến việc “cha mẹ hổ” trở thành xu hướng phổ biến trong việc giáo dục con cái của các bậc phụ huynh trên toàn cầu hiện nay.
Không chỉ dùng lý lẽ, Tanith Carey đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể để chứng minh xu hướng trên. Bên cạnh đó, tác giả cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến nhiều cha mẹ áp dụng phương pháp giáo dục hà khắc với con cái.
Chương 2 là những ảnh hưởng trực tiếp, mối nguy hại ghê gớm mà con cái chúng ta đang phải chịu đựng khi phụ huynh áp dụng phương pháp nuôi dạy con cạnh tranh.
Không chỉ phá vỡ mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa cha mẹ và con cái, phương pháp này còn gây ra hậu quả nghiêm trọng mà nhiều bậc cha mẹ không thể lường trước được.
Ở chương 3, Tanith Carey đi sâu vào thảo luận cách giúp người lớn đặt lợi ích của con lên trên hết nhưng vẫn làm cho bé đứng vững trong thế giới đầy cạnh tranh này.
Cuốn sách sẽ là bí kíp hữu ích giúp cha mẹ tạo động lực đúng đắn cho con, để những hành động và lời nói của mình trở thành nguồn động viên, khích lệ lớn lao giúp con phát triển một cách toàn diện.
“Có lẽ bạn đã ngán ngẩm những cuộc ganh đua ngầm giữa các bậc phụ huynh; mệt mỏi với những trận đấu khẩu; hay chán phải giữ nụ cười giả tạo của kẻ khiêm nhường khi phải nghe những câu chuyện về khả năng đọc, điểm toán hay trình độ chơi nhạc trút xuống như mưa từ những phụ huynh khác. Hoặc có thể, bạn chán ghét khi phải lo sợ rằng những phụ huynh khác đang nỗ lực hơn bạn để khiến con cái họ vượt xa hơn con bạn?”
“Bạn muốn tìm một lối ra, bạn muốn giúp đỡ con nhưng bạn loay hoay không biết làm cách nào để thoát ra mà vẫn đảm bảo con không bị tụt lại phía sau? Hãy cùng chúng tôi tìm ra cách hiệu quả nhất để giúp con phát triển toàn diện mà không phải chịu quá nhiều áp lực từ bên ngoài”, tác giả Tanith Carey viết trong cuốn sách Học cách nói với con.