Áp dụng hiệu quả phương pháp Dohsa-hou chăm dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giờ dạy của thầy Nguyễn Xuân Việt, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng hiếm có khi nào đi đúng trình tự các bước trong giáo án.

Một tiết học can thiệp cá nhân cho trẻ gặp khó khăn về học do thầy giáo Nguyễn Xuân Việt đảm nhiệm.
Một tiết học can thiệp cá nhân cho trẻ gặp khó khăn về học do thầy giáo Nguyễn Xuân Việt đảm nhiệm.

Can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Thời gian đầu khi được gia đình đưa đến học các tiết can thiệp cá nhân tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, em Nguyễn Đắc H.N. (2014) luôn không chịu ngồi yên. N. thích làm theo ý mình, nếu không được đáp ứng em sẽ la hét, khóc và ăn vạ. Việc tiếp cận và hỗ trợ cho N. rất khó khăn.

Trong một tuần đầu, thầy giáo Nguyễn Xuân Việt đã chọn cách tiếp cận từ từ. N. được chơi tự do với các đồ vật như xe đồ chơi, chữ số, thẻ hình… Khi N đang tập trung vào các trò chơi, thầy Việt nhẹ nhàng đến bên cạnh và sử dụng kỹ thuật tập Dohsa-hou “ấn thả” tại một số điểm trên cơ thể em. Giáo viên sử dụng hai tay để chạm lên vai của trẻ, từ từ ấn xuống rồi từ từ thả lỏng. Lặp đi lặp lại động tác 3 đến 5 lần. Tương tự như vậy tại các bộ phận khác: tay, lưng, ngực, chân, bàn tay.

Khi N. đã quen với môi trường mới và giáo viên, thầy Việt thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển ngôn ngữ, nhận thức, vận động tinh, vận động thô, giao tiếp. Trẻ có sự hợp tác và bắt đầu có sự thay đổi.

Em Nguyễn Đắc H.N. chơi tự do trong những ngày đầu đến can thiệp cá nhân tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.

Em Nguyễn Đắc H.N. chơi tự do trong những ngày đầu đến can thiệp cá nhân tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.

Sau 3 tháng can thiệp giáo dục cá nhân bằng phương pháp Dohsa-hou, N. có sự thay đổi rõ rệt về hành vi, nhận thức, giao tiếp. Em có thể tập trung ngồi học tại bàn hoặc tại sàn trong khoảng thời gian 25 – 30 phút. Trẻ có thể hợp tác tốt và tham gia tất cả các hoạt động giáo viên tổ chức: xâu hạt, ghép tranh, xâu dây quanh đường viền, tô màu trong đường viền, tập Dohsa-hou,…

Hạnh phúc của người thầy cứ nhen nhóm lên từng ngày với mỗi tiến bộ của trẻ. N. có thể tự nói các câu để thể hiện nhu cầu: “Thầy giúp con”, “thầy uống nước”, “cho con đi vệ sinh,…”. N. có thể nhìn hình và đi lấy đúng đồ vật ở khoảng cách 2 mét. Em còn thể đếm và ghép đúng thẻ số với nhóm đồ vật, lấy đúng số lượng đồ vật theo yêu cầu trong phạm vi 10.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Việt đang tập Dohsa-hou cho em N. trong tiết can thiệp cá nhân.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Việt đang tập Dohsa-hou cho em N. trong tiết can thiệp cá nhân.

Dohsa-hou, một phương pháp phục hồi chức năng tâm lí có nguồn gốc từ Nhật Bản được Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng áp dụng thực nghiệm trong các tiết can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ từ tháng 10/2020.

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ xử lý thông tin theo những cách khác nhau, khác với mọi người và có thể từ nhẹ tới nặng với những triệu chứng như hạn chế giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi bất thường. Một số em có những hành vi thái quá, gây nên những căng thẳng cho những người xung quanh. Theo thầy Việt, việc áp dụng phương pháp tập Dohsa-hou sẽ giúp giải tỏa những căng thẳng, thư giãn cho trẻ tự kỷ giúp các em phát triển các kỹ năng. So với các biện pháp can thiệp khác, tập Dohsa-hou không đòi hỏi nhiều về cơ sở vật chất, dụng cụ, sẽ giúp giảm chi phí rất nhiều.

Như tình yêu thầm lặng

Nguyễn Xuân Việt là sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên (năm 2008) của ngành Sư phạm Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng. Sau đó, anh còn tham gia thêm hai khóa học ngắn hạn về công tác xã hội ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Việt đã chủ động vào TP Hồ Chí Minh xin thực tập tại Bệnh viện Nhi đồng 1 về chăm sóc, trị liệu cho trẻ khuyết tật. Việt cho biết, hai khóa học này giúp mình có thêm kiến thức và trải nghiệm thực tế để làm tốt công việc của một giáo viên trong môi trường giáo dục quá đặc biệt: dạy cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ…

Năm đầu tiên nhận công tác tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Việt phải mất 2 tháng mới bắt đầu làm quen được với công việc thực tế.

“Năm đó, mình được phân công là giáo viên hỗ trợ của lớp 2 – đây là lớp có học sinh khuyết tật trí tuệ nặng nhất của trường. Công việc của giáo viên không chỉ đơn thuần là dạy mà còn kiêm đủ thứ việc không tên khác. Thậm chí là đảm nhận luôn vệ sinh cho những học sinh không làm chủ được việc tiểu tiện, đại tiện. Chuyện học sinh làm đau mình và đau thầy giáo là chuyện quá bình thường” – Việt kể.

Một giờ học thành công, đối với thầy giáo Việt, đôi khi chỉ đơn giản là một giờ học mà học sinh không quậy phá. Có những em học sinh, dù lớn rồi nhưng không tự chủ được trong việc vệ sinh, có những em lúc nào cũng nhễu nước dãi ướt hết cả áo... Bằng sự cảm thương với những thiệt thòi của học sinh, thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Việt đã vượt qua những thách thức của công việc để trụ lại với nghề suốt và luôn tìm tòi những phương pháp dạy học phù hợp với bệnh trạng của từng học sinh.

"Trong 1 tiết can thiệp, giáo viên sẽ dành khoảng 10-15 phút đầu để tập luyện Dohsa-hou cho trẻ. Việc tập luyện Dohsa-hou sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, vui vẻ và hợp tác tốt với giáo viên. Sau đó, các giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động giáo dục khác nhằm phát triển nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp, vận động tinh,…

Trong quá trình học giáo dục cá nhân nếu trẻ được tập luyện Dohsa-hou cũng sẽ giúp trẻ phát triển được các kỹ năng khác. Ví dụ: với các trẻ hay leo trèo, đi kiễng chân giáo viên sẽ tập Dohsa-hou cho trẻ thư giãn các điểm: khớp háng (điểm số 6), đầu gối (điểm số 7), gót chân (điểm số 8) và ngón chân (điểm số 9).

Khi đó, giáo viên có thể dạy trẻ hiểu các từ: nâng lên, hạ xuống, phải, trái, trên, dưới, xoay, ấn, thả… tùy vào khả năng của trẻ để đảm bảo sau khi tập luyện Dohsa-hou trẻ vừa được thư giãn vừa được rèn các kỹ năng trong môi trường tự nhiên. Phụ huynh cũng có thể áp dụng phương pháp Dohsa-hou cho trẻ ngay tại gia đình" - thầy giáo Nguyễn Xuân Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ