Singapore: Thành lập trường dành cho học sinh rối loạn phổ tự kỷ

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Singapore sẽ thành lập thêm 3 tổ chức giáo dục dành riêng cho học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Cũng theo Bộ này, những học sinh đặc biệt cần được học tập trong một môi trường giáo dục chất lượng.

HS tại Trường Grace Orchad (Sigapore)
HS tại Trường Grace Orchad (Sigapore)

Nhu cầu tăng cao

Bộ trưởng thứ 2 của Bộ Giáo dục Singapore - bà Indranee Rajah cho biết, trong vài năm tới, nước này sẽ thành lập 3 tổ chức GD dành cho những HS bị rối loạn phổ tự kỷ (ASD); đồng thời khẳng định, cơ sở GD đầu tiên sẽ chính thức tiếp nhận HS kể từ năm 2021.

Theo bà Indranee Rajah, nhu cầu học tập tại các trường học dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt đang ngày một tăng cao. Do đó, các tổ chức GD mới như kế hoạch sẽ nâng cao khả năng cho phép trẻ được tiếp cận với nền GD đặc biệt, cũng như bảo đảm tất cả trẻ em có nhu cầu GD đặc biệt từ trung bình đến nặng sẽ được học tập trong một môi trường GD chất lượng.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm mang tên ExtraOrdinary hôm 8/11, bà Indranee Rajah nhấn mạnh: “Ngay cả khi đang vui mừng trước sự tiến bộ của ngành GD quốc gia, chúng ta cũng sẽ không bao giờ được ngừng cố gắng để tiếp tục cải thiện hệ thống này.

Chỉ như vậy, con cái của chúng ta mới được học tập trong các môi trường GD có thể phục vụ nhu cầu của chúng và được lớn lên trong một xã hội nơi mọi người đều có thể phát triển mạnh mẽ”.

Trường đầu tiên dành cho trẻ mắc chứng ASD - được điều hành bởi Hiệp hội phúc lợi Metta, sẽ có khoảng 300 suất dành cho HS từ 7 - 18 tuổi có nhu cầu GD đặc biệt từ trung bình đến nặng, bao gồm cả người học ASD và khuyết tật trí tuệ. Khuôn viên trường học mới dự kiến nằm ở phía Đông

Singapore và sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động trong năm 2024. Cho đến lúc đó, bắt đầu từ năm 2021, HS sẽ được học tập tại khuôn viên Trường Metta hiện ở Simei.

Bộ GD Singapore (MOE) cho biết, hai tổ chức GD đặc biệt còn lại sẽ cung cấp chương trình giảng dạy tiểu học và trung học quốc gia, cũng như một chương trình sau tiểu học phù hợp với những HS không thể theo học chương trình trung học quốc gia.

Bên cạnh đó, bà Indranee cũng chia sẻ, một trong những trường này sẽ là cơ sở mới của Trường Pathlight (ngôi trường đặc biệt dành cho HS có nhu cầu đặc biệt), được điều hành bởi Trung tâm Tài nguyên tự kỷ (ARC). Đây sẽ là cơ sở thứ 3 của Pathlight, với cơ sở đầu tiên ở Ang Mo Kio và cơ sở thứ hai ở Tampines vừa được công bố hồi đầu năm nay.

Nơi mọi người đều là thành viên quan trọng của xã hội

Theo bà Indranee Rajah, 6 trường GD đặc biệt (SPED) của Singapore sẽ giảm học phí ít nhất 25% cho công dân Singapore kể từ tháng 1/2020. Những tổ chức GD này bao gồm các trường: Eden, Grace Orchard, Pathlight, Trung tâm Cầu vồng - Trường Margaret Drive, Trung tâm Cầu vồng - Trường Yishun Park và Trường Tự kỷ St Andrew Muff.

Nói về việc ngân sách tài trợ dành cho các trường SPED đã tăng khoảng 40% trong vòng 5 năm qua, bà Indranee nhấn mạnh: “Như chúng ta biết, chi phí theo học tại SPED có thể tốn kém do nhu cầu và nguồn lực cao hơn. Trong khi chúng tôi hỗ trợ tài chính dành cho trẻ học SPED đến từ các gia đình có thu nhập thấp, chúng tôi nhận thấy rằng, đối với những trẻ em SEN (có nhu cầu GD đặc biệt), họ sẽ phải chi trả thêm các chi phí khác ngoài học phí ở SPED”.

Theo thống kê từ MOE, có 80% HS có nhu cầu GD đặc biệt tại nước này được theo học tại các tổ chức GD chính thống. Để có thể bảo đảm rằng, các trường này luôn “bao gồm toàn bộ, an toàn và có thể mang lại tiện nghi” cho các HS có nhu cầu GD đặc biệt, MOE đã giới thiệu hai chương trình can thiệp, nhằm tập trung vào việc hỗ trợ ngang hàng.

Theo MOE, các chương trình can thiệp này sẽ trang bị cho HS những kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể giúp đỡ những bạn học đồng trang lứa - người có nhu cầu GD đặc biệt và có thể cần được hỗ trợ về mặt xã hội hoặc cảm xúc. Đặc biệt, bạn học cũng nên là người chia sẻ, nhằm khuyến khích HS có nhu cầu đặc biệt vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Về hai chương trình này, MOE khẳng định, không ít tổ chức GD tại Singapore đã triển khai trong vài năm qua và thu được “kết quả tích cực”. Đây được cho là lý do chính khiến các nhà lãnh đạo GD nước này quyết định mở rộng các chương trình đối với tất cả trường học chính thống trong vài năm tới.

Các nhân viên, giáo viên trong nhà trường có liên quan sẽ được tham dự những buổi tập huấn, tạo tiền đề để họ cung cấp và giảng dạy các chương trình can thiệp này trong trường. Trả lời truyền thông, bà Indranee Rajah nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tạo ra một hệ thống bao gồm - nơi tất cả mọi người đều được coi là thành viên không thể thiếu của xã hội.

“Nhiều người đã nói rằng, để có được những đánh giá chính xác nhất đối với bất kỳ xã hội nào, hãy nhìn vào cách họ đối xử với những người dễ bị tổn thương nhất.

Điều này cũng sẽ phản ánh con người chúng ta, liệu chúng ta có thể đồng cảm và đủ trưởng thành để nhìn nhận mọi người dù họ là ai, thay vì chỉ nhìn qua lăng kính về những gì họ có thể hoặc không thể làm được. Những điều này nghe có vẻ giống như lý tưởng cao cả, nhưng nếu chúng ta nhìn xung quanh, những đứa trẻ của chúng ta đã mở rộng tấm lòng và trái tim, đến với nhau như ngày hôm nay để mang lại những giá trị tuyệt vời”, bà Indranee chia sẻ. 

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.