Áo và Hungary không muốn nguồn cung khí đốt từ Nga bị thay thế

GD&TĐ - Các quan chức ở Áo và Hungary nói rằng không có sự thay thế nào cho khí đốt tự nhiên của Nga, trong khi Budapest nhấn mạnh rằng khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ đắt hơn không phải là một sự thay thế thực tế.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

“Thay thế khí đốt rẻ của Nga bằng khí đốt đắt tiền của Mỹ” là một đề xuất “vô lý” – Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói với đài Kossuth hôm nay (1/4).

“Không phải là chúng tôi sẽ mặc thêm một chiếc áo len vào buổi tối và giảm nhiệt độ xuống một chút hoặc phải trả thêm một vài đồng tiền khí đốt. Thực tế là nếu việc cung ứng nhiên liệu không đến từ Nga thì sẽ không có năng lượng nào ở Hungary” – ông Orban nhấn mạnh.

Chính trị gia này lưu ý rằng 85% nguồn cung cấp khí đốt của Hungary và 64% dầu của nước này đến từ Nga. Ngoài ra vị trí địa lý khiến nước này khó có thể đa dạng hóa các nguồn năng lượng.

Giám đốc điều hành Alfred Stern của hãng dầu khí hàng đầu nước Áo OMV cũng có lo ngại tương tự như ông Orban và cho rằng không có khí thiên nhiên hóa lỏng thay thế cho Áo.

“Từ bỏ khí đốt của Nga là không thể trừ khi chúng ta sẵn sàng sống chung với hậu quả to lớn của một bước đi như vậy. Một số quốc gia có thể làm điều đó nhưng Áo không thể thực hiện việc này trong năm nay… Là một quốc gia không giáp biển, chúng ta không tiếp cận được khí thiên nhiên hóa lỏng. Bất kỳ sự đa dạng hóa nào cũng có nghĩa là phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng đắt tiền hơn để tiếp cận với khí đốt đắt tiền hơn. Việc loại bỏ khí đốt của Nga sẽ phải trả giá. Chúng ta phải rõ ràng về điều này” – ông Stern nói với hãng tin Die Presse hôm nay.

Cảnh báo về cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2

Nước láng giềng của Áo là Đức – quốc gia đến nay đã từ chối thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp. Đức đang gặp phải một sự tiến thoái lưỡng nan và Berlin đã kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp để đối phó với sự gián đoạn nguồn cung và chuẩn bị việc phân chia khí đốt.

Khí đốt Nga chiếm 55% lượng tiêu thụ của Đức – gã khổng lồ công nghiệp của châu Âu vào năm 2021. Trong tuần này các bể chứa khí đốt ngầm của Đức đã giảm xuống 25% công suất.

Giám đốc điều hành Martin Brudermuller của tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF của Đức đã mô tả kế hoạch tẩy chay khí đốt thanh toán bằng đồng rúp của Berlin là một “thử nghiệm vô trách nhiệm cao độ”. Ông nhấn mạnh rằng người Đức đánh giá thấp rủi ro thực sự của bước đi này. Doanh nhân này cho rằng việc cắt khí đốt Nga có thể “dẫn đến cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất cho nền kinh tế Đức kể từ sau Thế chiến thứ 2”.

Nga đã tuyên bố các quốc gia không thân thiện là các nước đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga vì đã tấn công Ukraine. Tiếp theo là các động thái của EU và Mỹ nhằm đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ của Nga bị mắc kẹt ở nước ngoài.

Tổng thống Putin đã công bố kế hoạch “đổi rúp lấy khí đốt” vào tuần trước, cho phép ngân hàng trung ương, các cơ quan chính phủ có liên quan và tập đoàn Gazprom có thời gian để chuẩn bị và ký một sắc lệnh về vấn đề này vào hôm qua. Văn bản của nghị định đã được công bố cung cấp chi tiết hướng dẫn về cách có thể thực hiện thanh toán bằng đồng rúp.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ