Ao làng sau lũ

GD&TĐ - Sau hai trận lũ vừa rồi, đi về vùng nông thôn ở một số tỉnh miền Trung lúc này, sẽ dễ dàng bắt gặp những cái “ao làng” dày đặc ở những khu dân cư, nhất là những gia đình có vườn trồng rau màu hoặc cây lâu niên.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

“Ao làng” là một kiểu nói cách điệu, còn thực chất là mỗi vườn ở quê hiện nay là một cái ao nước khổng lồ sau mỗi trận lũ! Đây là điều mà khoảng chừng vài chục năm trước không hề xảy ra. Vì sao có hiện tượng này?

Chừng 15 năm năm trở về trước, vẫn mảnh vườn ấy trồng hoa màu hoặc cây ăn trái lâu năm nhưng hầu như không rào chắn gì. Con gà, còn vịt từ vườn nọ có thể sang vườn kia kiếm ăn mà không hề bị mất trộm.

Thậm chí, ranh giới giữa các vườn với nhau chỉ được đánh dấu bằng những cây cổ thụ, đôi khi chỉ bằng một hàng tre. Thời ấy, việc tranh chấp đất đai giữa hàng xóm với nhau gần như không có.

Những ai có lòng tham, cùng lắm cũng lấn vườn bên cạnh vài chục centimet là nhiều. Do vậy, hễ mưa vừa ngớt thì nước cũng đã kịp thoát ra mương để tìm sông tìm suối mà chảy.

Thế rồi cơn lốc đô thị hóa bắt đầu thổi về làng quê, nhất là những vùng giáp ranh với thị trấn, thị xã, mọi thứ lập tức thay đổi. Người dân bắt đầu ý thức về giá trị của từng mét đất nên các hàng rào bằng lưới B40 cũng được dựng lên từ đó.

Xưa mỗi vườn chỉ có một ngôi nhà, giờ sinh con đàn cháu đống, mảnh vườn ấy được cắt ra làm nhiều hộ. Mỗi gia đình lại rào bằng lưới B40, bên dưới chân các hàng rào này được xây đế kiên cố, bít luôn các lối thoát nước. Vì thế, mưa xuống bao nhiêu, nước đọng lại bấy nhiêu. Những cái ao làng hình thành từ đó. Vườn thành ao, và ao cũng là vườn.

Trước đây, thời còn hợp tác xã, gần như làng nào cũng đều có một con mương dẫn nước từ các vườn, sau đó thoát ra đồng.

Bây giờ, các con mương dẫn nước ấy bị lấp hoàn toàn, thậm chí có những con kênh được ông bà ta đào từ thời kháng chiến chống Pháp, giờ phần thì đất tự nhiên trôi xuống lấp lại, phần thì rác rều và lục bình làm nghẽn dòng chảy. Đây cũng là một trong những lí do để nước không thoát được nhanh mỗi khi có lũ.

Khi vườn thành ao nước, ngoài việc môi trường bị ô nhiễm, nơi để muỗi sản sinh, còn có một mối nguy khác, đó là toàn bộ các loại rau đậu, thậm chí một số cây ăn quả bị thối gốc.

Đi về vùng quê những ngày này, sẽ dễ dàng bắt gặp mùi hôi thối từ các mảnh vườn ngập nước này. Mùi hôi thối đó chính là cây sắn trồng không thu hoạch kịp, bị ngâm nước lâu ngày giờ thối inh lên.

Thực trạng đáng buồn này đã và đang xảy ra ở các làng quê, nhất là ở khu vực miền Trung, nơi mà tốc độ đô thị hóa nông thôn tăng một cách bất thường. Nghịch lý là, nhà nào cũng kêu vì nước ngập gây ô nhiễm môi trường và làm thiệt hại cây cối, hoa màu nhưng nhà nào cũng xây tường rào bít lại!

Đừng để hậu quả nặng thêm nếu chính quyền địa phương không có những văn bản quy định cụ thể khi xây nhà, rào vườn. Công tác quy hoạch dưới cơ sở bây giờ không chỉ là quy hoạch cán bộ mà cần phải quy hoạch cả chuyện thoát nước cho làng nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ