(GD&TĐ) - Học chưa hết lớp 8, thế mà chàng trai xuất thân từ nhà nông ở vùng sâu An Giang đã làm nên kỳ tích. Mới đây anh đã chế tạo thành công chiếc máy phun thuốc trừ sâu tự động có điều khiển từ xa bằng remote. Chàng trai “hai lúa” đó là anh Trần Thanh Tuấn, 36 tuổi, ở ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, An Giang.
Chàng kỹ sư “bất đắc dĩ”
Anh Tuấn đang điều khiển máy phun thuốc hoạt động trên đồng ruộng |
Đã qua nhiều thế hệ gia đình anh bám ruộng đồng, đến đời anh cũng từng lê lết qua các cánh đồng với bình thuốc trừ sâu nặng trĩu trên vai giữa những buổi trưa nóng nực để xịt thuốc trị bệnh, trừ sâu… Thấu hiểu sự vất quả của người nông dân làm ra hạt gạo, điều đó làm anh có một động lực để sáng chế.
Anh Tuấn cho biết: Tuy hạn chế về mặt chữ nghĩa và chưa được học hành ngày nào về ngành chuyên môn sáng chế máy móc gì cả. Vì gia đình nghèo đông anh em nên phải nghỉ học sớm, anh bắt đầu theo học nghề sửa điện tử ở Ba Thê (Thoại Sơn). Thời gian học chỉ có 2 tháng ở tiệm sửa chữa điện tử, đến khi kết thúc khóa học thì anh không thể mở tiệm riêng cho mình được vì kiến thức học chẳng được bao nhiêu.
Để tu nghiệp cho mình, anh Tuấn quyết xin vào tiệm sửa điện tử ở TP Long Xuyên để giúp việc, vừa học hỏi thêm kiến thức nghề. Sau 2 năm làm công không cho chủ, anh quyết định về quê tự mở tiệm sửa điện tử tại nhà và lập gia đình. Với 10 năm trong nghề sửa điện tử và anh có 1 ha đất ruộng sản xuất hàng năm do cha mẹ để lại.
Tuy nhiên mỗi lần đến cử phun thuốc cho lúa phải mất gần 1 ngày cho diện tích đó, còn nếu thuê mướn vừa khó tìm người giá thành lại cao. Năm 2010 tình cờ anh xem tivi chương trình sáng tạo robot, từ đó anh bắt tay vào nghiên cứu máy phun thuốc tự động không người lái có điều khiển từ xa bằng remote.
Trước tiên anh nghiên cứu thiết kế quy cách, kiểu dáng của sườn máy làm sao cho người nông dân dễ vận chuyển đến nơi phun xịt, vận hành thích hợp trên đồng ruộng, rồi tìm mua các vật liệu như bộ phận remote điều khiển từ xa, hệ thống phát điện, động cơ máy, dynamo, bình acquy, máy hút nước pha thuốc, máy bơm nén, bình đựng thuốc 50 lít, cần phun 20 vòi, sên xe gắn máy, ốc vít và khung sườn được anh tự làm... Sau khi tập hợp đầy đủ các thiết bị, anh lắp ráp từng bộ phận lại với nhau.
Thế nhưng, bao công sức tiền của hơn chục triệu đồng cả năm trời mày mò nghiên cứu, bởi lần đầu đưa máy ra đồng, bấm cần điều khiển thì nó chạy trên ruộng bị đổ, bị lún trên đất sình hay phun thuốc không được... Không nản lòng, anh Tuấn kiên trì chỉnh sửa những khiếm khuyết của đứa con tinh thần.
Anh Tuấn cho biết: Khuyết điểm lớn nhất ở máy phun thuốc trừ sâu của anh là bánh bằng dây sên xe máy, diện tích bám đất ít, bánh nhỏ khiến dễ bị lún làm máy lật đổ. Đặc biệt dây sên bám vào cỏ hoặc lúa khiến máy chạy không nổi. Vả lại đa phần đồng ruộng ở ĐBSCL không được bằng phẳng như mặt lộ, máy đưa xuống sẽ gặp sự cố.
Từ đó anh nghiên cứu lại hệ thống chạy bằng bánh xích, diện tích bánh lớn tiếp xúc với mặt đất lớn làm máy khá vững vàng khi chạy nơi không bằng phẳng. Ở vụ hè thu 2013 vừa rồi, anh trình làng chiếc máy hoàn thiện trên đồng ruộng của mình.
Kết quả được nông dân trong xã và ngành chức năng của tỉnh đánh giá cao hệ thống điều khiển tốt, bán kính điều khiển đạt được 100m, bộ phận phun thuốc đều đạt yêu cầu.
Anh Tuấn cho biết: “Tôi bấm remote điều khiển hướng nào thì nó đi hướng đó, bấm xoay ngang hay bẻ cua là nó chuyển động liền tức khắc. Muốn nó đi nhanh hay chậm, cho phun thuốc nhanh hay mau tùy ý mình điều khiển…”.
Ông Ngô Văn Sáu, người có thâm niên làm ruộng ở địa phương cứ tấm tắc khen máy phun thuốc tự động này vừa linh hoạt, vừa gọn, chỉ nặng khoảng 80 kg nên để lên xe máy vận chuyển đi vùng nào cũng tiện, nhất là đi làm dịch vụ phun thuốc thuê. Khi máy di chuyển, đè lên cây lúa không gây hao hụt do hệ thống bánh xe của robot chỉ làm lúa rạp xuống, không làm gãy nhánh lúa.
Khát vọng đưa chiếc máy vươn xa
Anh nông dân Trần Thanh Tuấn bên chiếc máy phun thuốc trừ sâu tự động có điều khiển từ xa bằng remote |
Khi chiếc máy phun thuốc trừ sâu tự động của anh Tuấn ra đời đã giải phóng cho người nông dân không còn cảnh tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là những loại thuốc có độc tố cao. Anh Tuấn cho biết: Trước đây đeo bình xịt loại 16 lít nặng đến 30 – 35kg, 1 ha đất lúa phải 3 người mang bình xịt và mất ba giờ mới xong.
Bây giờ chỉ cần một người đứng trên bờ mẫu điều khiển bằng remote, chỉ trong một giờ đã phun xịt xong 1 ha. Chiếc máy chỉ tiêu hao nhiên liệu từ 0,5 - 0,8 lít/giờ với hoạt động của động cơ máy 2 thì. Anh Tuấn cho biết thêm: Bình quân một vụ lúa có gần 10 lần phun xịt thuốc, tính ra tốn tiền thuê mướn khoảng 1,6 triệu đồng/ha.
Trong khi đó nếu dùng máy phun thuốc mà anh sáng chế sẽ tiết kiệm cho nông dân 150.000 đồng/ha/vụ. Hiện nay máy phun thuốc của anh phục vụ đất nhà, ngoài ra anh còn làm dịch vụ phun xịt cho nông dân trong xóm với giá giá 8.000 đồng/bình 50 lít.
Hoạt động chiếc máy gọn nhẹ nên khi đem ra đồng có thể vận chuyển bằng xe máy, tới nơi chỉ cần gắn cần phun thuốc với chiều dài 8m để phun. Bên cạnh đó máy được cấu tạo có sẵn thiết bị bơm hút nước tự động từ bờ ao vào bình pha thuốc 50 lít nên rất tiện lợi.
Trong khi bơm hút nước vào thùng chứa, máy có bộ phận trộn thuốc liên tục trong khi pha, khi nước rút đầy bình thì cũng là lúc dung dịch thuốc được trộn xong. Suốt quá trình phun, bình có bộ phận tự động tiếp tục trộn bằng cánh quạt đặt ở đáy bình, quay trộn thuốc liên tục cho đến khi phun hết bình. Ưu điểm nổi trội của máy là giảm thời gian trộn thuốc, công suất đạt gấp nhiều lần, máy phun trên diện rộng và đều, đặc biệt có thể tăng giảm cần phun cao thấp theo từng giai đoạn của lúa.
Hiện nay chiếc máy đầu tiên của anh Tuấn chế tạo đã được một “đại gia” có diện tích làm ruộng lớn ở trong huyện đặt mua với giá 24 triệu đồng về phục vụ cho cánh đồng mẫu lớn. Không ngừng ở đó, anh Tuấn tiếp tục nâng cấp chiếc máy từ bình chứa nước 50 lít thay bằng bình 120 lít, nâng công suất phun lên 2 ha lúa trong một giờ.
Và còn hứa hẹn sáng chế những thiết bị tiếp theo để phục vụ cho bà con nông dân có nhu cầu. Bên cạnh đó anh Tuấn cũng được Sở KH&CN tỉnh An Giang cấp bằng sáng chế độc quyền cho chiếc máy phun thuốc. Sắp tới dự định của anh Tuấn là xin tham gia vào cuộc thi sáng tạo robot ở Hà Nội.
Hoàng Lê