Anh lo ngại về tư tưởng cực đoan trong trường học

GD&TĐ - Các giáo viên tại Anh đang rất lo ngại về sự gia tăng quan điểm cực đoan và thuyết âm mưu trong học sinh.

Anh lo ngại về tư tưởng cực đoan trong trường học

Tình hình sẽ còn lan rộng nếu các trường học không trang bị chương trình đào tạo và nguồn lực để giải quyết những suy nghĩ và hệ tư tưởng nguy hiểm này.

Cách tiếp cận của chính phủ để giải quyết chủ nghĩa cực đoan quá tập trung vào việc xác định và báo cáo những học sinh được cho là có nguy cơ cực đoan hóa, thay vì dạy cho học sinh cách bác bỏ và thảo luận về các quan điểm và ý thức hệ thù địch, các giáo viên được phỏng vấn cho nghiên cứu tại Viện Giáo dục UCL cho biết.

Các giáo viên chia sẻ thêm rằng việc giảng dạy chủ nghĩa cực đoan trong các trường học ở Anh là “không đồng nhất” và đôi khi còn “hời hợt”, các giáo viên thường đóng trong vai trò “người trông trẻ”, sử dụng “giáo án được chuẩn bị trước”. Cách làm này rất dễ đem đến những thông tin sai lệch.

Kamal Hanif, một chuyên gia về ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong trường học cho biết: “Đây là một lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Chúng ta phải đảm bảo rằng mọi học sinh đều được dạy cách nói không với ý thức thuộc hệ cực đoan.

Ngay bây giờ, những kẻ cực đoan đang cố gắng lôi kéo những người trẻ tuổi vào một thế giới của sự thù hận và bạo lực. Chúng ta phải sử dụng sức mạnh của giáo dục để chống lại và giúp những người trẻ đứng lên phản kháng lại chủ nghĩa cực đoan. Chúng tôi cần sự rõ ràng hơn nữa từ Chính phủ trong chương trình giảng dạy để thảo luận thẳng thắn và cởi mở hơn về chủ nghĩa cực đoan. "

Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 96 giáo viên tại các trường học ở Anh và phát hiện ra rằng, mặc dù các quan điểm cực đoan vẫn còn hiếm gặp, nhưng hơn một nửa số giáo viên đã nghe học sinh bày tỏ quan điểm cực hữu trong lớp học. Gần 90% đã nghe thấy các thuyết âm mưu như tỉ phú công nghệ Mỹ Bill Gates “điều khiển con người thông qua vi mạch có trong vaccine phòng Covid”.

Các giáo viên vẫn còn lo ngại về việc giảng dạy một số chủ đề nhạy cảm vì sợ rằng các học sinh sẽ “hiểu sai”. 

Các nhà nghiên cứu của UCL khuyến nghị các trường nên tăng cường chính sách chống phân biệt đối xử; khuyến khích, tạo thêm cơ hội để học sinh thảo luận cởi mở về các quan điểm gây tranh cãi, cải thiện việc giảng dạy kiến ​​thức phê bình để giúp học sinh hiểu được sự khác biệt giữa thực tế và quan điểm. 

Vào tháng 8, Tờ Guardian tiết lộ sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng trẻ em bị các nhóm cực hữu cực đoan hóa, với 13% vụ bắt giữ khủng bố trong năm tài chính vừa qua là trẻ em dưới 18 tuổi, so với 5% của năm trước. Thanh niên dưới 24 tuổi chiếm gần 60% các vụ bắt giữ khủng bố cực hữu, thể hiện sự gia tăng nhanh chóng.

Geoff Barton, tổng thư ký của Hiệp hội các nhà lãnh đạo trường học và đại học, đã kêu gọi chính phủ làm việc với các trường học để lên kế hoạch, đào tạo và tìm kiếm nguồn lực để giải quyết sự gia tăng của các quan điểm cực đoan.

Thực tế là các trường học phải giải quyết nhiều nhu cầu về thời gian trong điều kiện thời gian biểu dày đặc và hạn chế kinh phí, trong khi với cuộc cách mạng kỹ thuật số, quan điểm thù địch lại có thể lan truyền chỉ bằng một nút bấm.

Người phát ngôn của Bộ Giáo dục cho biết: “Như báo cáo này cho thấy, các trường học và giáo viên nói chung đều tự tin giảng dạy về các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa cực đoan.

Chương trình giảng dạy về Mối quan hệ, Giới tính và Sức khỏe mới đây yêu cầu học sinh trung học phải nhận thức được luật lệ liên quan đến khủng bố và tội phạm, và trang web Giáo dục Chống Thù hận có hơn 150 nguồn tài nguyên miễn phí để giúp học sinh, giáo viên và phụ huynh đối phó với sự cực đoan hóa dưới mọi hình thức.”

Theo Cuardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ