Ấn tượng lời dặn dò “3 chữ N” của thầy hiệu trưởng trong Lễ khai giảng

GD&TĐ - Mỗi mùa khai giảng, thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) lại ân cần chia sẻ tâm tư, dặn dò "đàn con" chăm ngoan, học giỏi theo cách của riêng mình. 

Tuyên dương các học sinh xuất sắc tại Lễ khai giảng
Tuyên dương các học sinh xuất sắc tại Lễ khai giảng

Năm học 2018 - 2019, thầy Hiệu trưởng đặt mục tiêu giáo dục trong 3 từ “NHÂN ÁI – NỖ LỰC – NĂNG ĐỘNG” - hành trang quan trọng cho bước đường hoàn thiện nhân cách của học sinh.

Báo Giáo dục và Thời đại xin trân trọng giới thiệu diễn văn khai giảng đầy cảm xúc mà thầy Nguyễn Minh Quý đã đọc trong Lễ Khai giảng năm học mới 2018 - 2019:

"Năm học 2017-2018 đã qua đi. Với thầy và trò nhà trường THPT Trần Nguyên Hãn đây là năm học in đậm những dấu ấn thành công. Với những thành tích rực rỡ về giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn và đặc biệt là kết quả của việc giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh của nhà trường. Nhà trường đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy, tin yêu của học sinh thành phố Cảng.

Trước thềm năm học mới thầy và trò của mỗi nhà trường đều đặt ra những mục tiêu phấn đấu. Năm học này mục tiêu cũng là hành trang mang theo của thầy và trò nhà trường sẽ là “NHÂN ÁI – NỖ LỰC – NĂNG ĐỘNG”.

“NĂNG ĐỘNG”: Đây là một trong những phẩm chất quan trọng của một con người. Năng động là sự tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm. Từ việc năng động mới nảy sinh sự sáng tạo để tạo ra những giá trị mới về vật chất và tinh thần. Thầy cô năng động sẽ tìm cách đổi mới để bài giảng cuốn hút và hiệu quả. Học trò năng động sẽ chủ động trong việc tiếp thu kiến thức và khắc phục những điểm yếu của mình.

Trong cuộc sống của chúng ta sẽ không tránh được những lúc gặp khó khăn. Trước khó khăn có người đầu hàng, không thiếu người lùi bước, nhưng cũng rất nhiều người dũng cảm đối mặt và vượt qua thách thức. Tôi mong rằng thầy cô và các em luôn là người năng động trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, năng động trước khó khăn, thử thách và cuối cùng là năng động trong cuộc sống.

“NỖ LỰC”: Nỗ lực chính là đem hết công sức ra để làm một công việc nào đó. Nỗ lực trong học tập và rèn luyện, nỗ lực trong giảng dạy, nỗ lực trong lao động. Nỗ lực là một trong những phẩm chất quan trọng, một yếu tố quyết định đến thành công của một con người.

Đề cập đến sự nỗ lực có rất nhiều tấm gương mà chúng ta phải học tập. Ngày hôm nay trong giờ phút đặc biệt của ngày khai giảng năm học mới tôi muốn mọi người có mặt tại sân trường cùng gặp gỡ một học sinh đặc biệt khối lớp 10. Học sinh đó từng đạt rất nhiều thành tích như: Lớp 6 đạt giải ba cấp quận cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ kính yêu, giải nhì cấp thành phố cuộc thi công nghệ thông tin. Lớp 7 đạt giải khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi em yêu lịch sử Việt Nam. Lớp 8 đạt giải ba cấp quốc gia cuộc thi: Con tem Bưu Chính. Lớp 9, tham gia thi công nghệ thông tin toàn cầu…

Những giọt nước mắt xúc động đã rơi khi thầy Nguyễn Minh Quý nhắc đến tấm gương NỖ LỰC vượt nghịch cảnh học giỏi của em Nguyễn Ngọc Phương Chi học sinh lớp 10C13.
Những giọt nước mắt xúc động đã rơi khi thầy Nguyễn Minh Quý nhắc đến tấm gương NỖ LỰC vượt nghịch cảnh học giỏi của em Nguyễn Ngọc Phương Chi học sinh lớp 10C13.

Nhân vật đó đang ở trước mặt chúng ta - em Nguyễn Ngọc Phương Chi học sinh lớp 10C13 của trường. Những thành tích nêu trên nếu là của một học sinh bình thường đã là những thành tích đáng nể, nhưng nếu như các em biết rằng Nguyễn Ngọc Phương Chi đã mất đi ánh sáng của đôi mắt từ năm lên 6 tuổi do bị não úng thủy. Bố Chi đã mất khi em 13 tuổi lúc đó em đang học lớp 6. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mẹ em phải xin đi lao động ở nước ngoài từ khi em 10 tuổi. Hiện em đang sống với bà ngoại. Hàng ngày, dì ruột em đến chở đi học và đón về thì chúng ta sẽ nghĩ như thế nào?

Tôi đã từng sững người khi lần đầu gặp em tại văn phòng, tôi lặng người và cảm thấy xấu hổ khi chứng kiến sự nỗ lực của em. Chiều hôm qua tôi đã rưng rưng khi thấy em nhớ như in từng chi tiết trong buổi gặp đầu tiên giữa tôi và em, một học sinh có hoàn cảnh thật đặc biệt đến nộp hồ sơ xét tuyển vào trường muộn tới 10 ngày. Tôi đã không kìm được nước mắt khi nghe em tâm sự, em nói rằng: “ hạnh phúc nhất của em là được đến trường cùng các bạn”.

Thầy muốn nói với các em: Chứng kiến tấm gương của bạn, khi mà chúng ta, trong đó có các em là những người lành lặn, là những người khỏe mạnh, có khá đầy đủ về vật chất, có sự chăm chút hàng ngày của một gia đình mà không ít bạn còn ham chơi, lười biếng, còn không chịu nỗ lực rèn luyện chúng ta có cảm thấy xấu hổ không?

“NHÂN ÁI”: Tôi đã từng đặt câu hỏi: Nhân ái là gì? Mình có lòng nhân ái với học trò, bạn bè, đồng nghiệp, gia đình và mọi người xung quanh hay chưa? Lòng nhân ái của người thầy với học trò được biểu hiện như thế nào? Lòng nhân ái của trò với trò thể hiện như thế nào? Và làm thế nào để một nhà trường trở thành nơi nuôi dưỡng lòng nhân ái?

Trong trường chúng ta đã có những tấm gương thầy cô tận tụy đêm ngày tìm tòi cách giảng bài dễ hiểu chỉ để nhìn thấy ánh mắt rạng ngời của học trò sau mỗi bài giảng. Có những thầy cô đã từng đón học sinh về nhà, hy sinh cuộc sống vật chất kể cả tinh thần để nuôi dạy học sinh nên người. Hàng năm nhà trường dành hàng trăm triệu đồng cho học sinh là con thương binh, bệnh binh, học sinh nghèo vượt khó… Đó là lòng nhân ái, bởi nhân ái là sự tận tụy, là những điều cho đi, là sự sẻ chia khi người khác gặp khó khăn.

5 năm làm hiệu trưởng nhà trường, thầy đã chứng kiến nhiều học trò của trường tuy nhận được sự hỗ trợ và tình cảm từ thầy cô và nhà trường nhưng sống rất vô cảm, chứng kiến có học trò gây ra những niềm đau cho thầy cô nhưng đến giờ vẫn không nhận ra. Thầy cô buồn nhưng không trách giận các bạn ấy. Đó là biểu hiện của lòng nhân ái, bởi nhân ái chính là sự tha thứ.

Những ngày vừa qua, đại đa số chúng ta rất vui và tự hào khi đội tuyển Olympic bóng đá nam đạt thành tích xuất sắc khi lọt tới vòng 4 đội mạnh nhất của châu Á. Tuy nhiên khi họ thất bại trong trận tranh huy chương Đồng, các cầu thủ lại nhận sự ghẻ lạnh của khá nhiều người. Có cầu thủ đã nhận không ít lời chê bai, dè bỉu, thậm chí xúc phạm nặng nề của không ít người. Có thể nói rằng cách ứng xử của họ không thể hiện ra họ là người có lòng nhân ái, bởi nhân ái là phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để cảm nhận việc làm, những mất mát và nỗi đau của họ trước khi phán xét một điều gì đó không hay về họ.

Vâng, nhân ái chính là tình yêu thương giữa con người và con người, chính là cách con người trao cho nhau những tình cảm tốt đẹp mà không hề vụ lợi, không mong muốn nhận lại bất kỳ điều gì từ người khác. Nhân ái chính là sự tha thứ, cảm thông, là cách chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác khi phán xét họ và đơn giản hơn đó nhân ái chính là cách nhìn cuộc đời một cách tích cực.

Một xã hội tốt đẹp, phồn vinh không chỉ đơn thuần là xã hội có vật chất sung túc, mà phải là xã hội có tinh thần. Lòng nhân ái chính là cầu nối giữa những cá thể riêng rẽ, giữa những tâm hồn với nhau, giúp mọi người gắn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau.

Chúng ta không thể sống hạnh phúc khi chỉ biết nghĩ đến mình mà không nghĩ và làm cho người khác.

Chúng ta không thể viên mãn khi chưa cảm nhận được nỗi đau của đồng loại và xã hội.

Mỗi chúng ta, dù ở địa vị xã hội nào khi có lòng nhân ái,biết nuôi dưỡng và lan tỏa nó, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được món quà vô giá từ cuộc đời này, đó chính là lòng nhân ái.

Tôi mong rằng mỗi thầy cô giáo, mỗi học trò của ngôi trường 43 năm tuổi này hãy NĂNG ĐỘNG trước thử thách, luôn NỖ LỰC hết sức mình và sống có lòng NHÂN ÁI với đồng nghiệp, gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội để góp phần xây dựng Tổ quốc ngày càng tươi đẹp.

Xin kính chúc tất cả các đồng chí lãnh đạo, các quý thầy cô, các bậc cha mẹ cùng các em mạnh khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn. Chúc một năm học mới với thật nhiều dấu ấn đến với thầy và trò nhà trường!".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.