Ấn tượng buôn Ako Dhong

GD&TĐ - Trong tiếng Êđê, Ako Dhong có nghĩa là đầu nguồn suối. Buôn Ako Dhong nằm ở đầu nguồn của 6 con suối, gần suối Ea Nuôl nhất. Cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột khoảng 2km về phía Bắc, buôn Ako Dhong được già làng Ama H’rin quê gốc ở cao nguyên M’Drăk di cư đến khai phá và thành lập vào năm 1956. Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, hiện nay buôn Ako Dhong nổi tiếng giàu có và là buôn văn hóa kiểu mẫu, trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Một góc nhà dài cổ
Một góc nhà dài cổ

Buôn văn hóa và kiểu mẫu

Người dân trong buôn kể rằng, vào năm 1956, một số hộ dân Êđê, trong đó có chàng trai Ama H’rin, tên thật là Y Diêm Niê, sinh ở buôn Ea Mlai, thuộc cao nguyên M’Drăk về đây khai phá biến vùng rừng hoang vu thành nương rẫy và lập ra buôn Ako Dhong.

Lúc mới thành lập, buôn chỉ có 10 ngôi nhà dài mái lợp gianh, với khoảng 50 nhân khẩu sinh sống. Ama H’rin được người dân suy tôn làm già làng từ đó cho tới khi qua đời vào ngày 24/12/2012, hưởng thọ 81 tuổi.

Già làng Ama H’rin thông thạo tiếng Việt, tiếng Pháp và là người Êđê đầu tiên học được kỹ thuật trồng cà phê của người Pháp. Thấy cây cà phê có lợi nhuận cao, ông đã áp dụng kỹ thuật trồng và phát triển cây cà phê trên 40 mẫu đất ở Ako Dhong. Từ đó, mở đầu cho sự xuất hiện đồn điền cà phê của người Việt Nam trên đất Tây Nguyên.

Không chỉ phát triển cây cà phê, trồng lúa nước, già làng Ama H’rin còn tích cực vận động bà con trong buôn trồng điều, cây bơ và chăn nuôi nhiều gia súc gia cầm (nhưng được quy hoạch ở một khu riêng), thả cá trê phi trong các ao, hồ. Nhờ lợi nhuận từ cây cà phê và chăn nuôi gia súc, đời sống của người dân buôn Ako Dhong ngày càng được cải thiện và trở nên giàu có, nhiều nhà dài lợp ngói xuất hiện, nên còn được gọi là “buôn nhà ngói”.

Được như vậy là bởi người Êđê nơi đây từ lâu đã biết phát huy thế mạnh của cây cà phê. Hiện nay toàn buôn có khoảng 26ha trồng cà phê và 26ha rừng tự nhiên nằm ở cuối buôn, được xem như báu vật của buôn làng.

Hiện nay, buôn có gần 100 hộ gia đình, khoảng trên 800 nhân khẩu. Theo một số người dân trong buôn cho biết, từ các nguồn như cà phê, điều, trái bơ, chăn nuôi, dệt thổ cẩm, làm rượu cần, bán hàng lưu niệm, phát triển dịch vụ du lịch…, hàng năm nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Lãnh đạo phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột cho biết, từ năm 2009 đến nay, buôn Ako Dhong đã xóa hết hộ nghèo, xuất hiện nhiều hộ khá và giàu. Nhiều năm liền buôn đạt danh hiệu buôn văn hóa và kiểu mẫu, với gần 100% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; 100% trẻ em được tới trường (trong đó có gần 90% học sinh học hết lớp 12/12).

Nhà Văn hóa cộng đồng của buôn

Nhà Văn hóa cộng đồng của buôn

Bảo tàng văn hóa Êđê

Ngày nay, nằm ở gần cuối con đường Trần Nhật Duật, buôn Ako Dhong cũng là phố và phố cũng là buôn. Những ngôi nhà sàn (nhà dài) truyền thống lợp ngói đã nhuốm màu thời gian xen với những ngôi biệt thự được xây dựng với lối kiến trúc hiện đại, nhưng phần mái vẫn mô phỏng theo kiểu mái nhà dài truyền thống.

Hầu hết những ngôi biệt thự đều được xây dựng phía sau ngôi nhà dài - nơi ở của cả gia đình. Tất cả đều nằm trong khuôn viên của những khu vườn rợp bóng cây ăn trái, hoa và cây cảnh.

Những ngôi nhà dài là nơi thờ cúng tổ tiên và tổ chức những nghi thức cúng mừng lúa mới, tổ chức lễ hội sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, kể khan, múa, hát, tiếp khách và những đêm lửa trại.

Hiện trong buôn còn những ngôi nhà dài có tuổi đời vài chục năm, được làm bằng những loại gỗ quý vừa chắc vừa bóng loáng như giáng hương, chít, căm xe không bao giờ bị mối mọt. Chính những ngôi nhà dài này là điểm nhấn thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan và nghỉ qua đêm, mỗi khi có dịp đặt chân đến Buôn Ma Thuột.

Một trong những ấn tượng mà nhà dài để lại cho du khách chính là cặp cầu thang đực và cái. Cầu thang cái có đôi bầu vú sữa căng tròn được điêu khắc công phu sinh động, là biểu tượng ca ngợi sự trường tồn của giống nòi của cộng đồng người Êđê. Đó cũng là biểu tượng cho quyền lực của người phụ nữ Êđê trong xã hội mẫu hệ truyền thống.

Biểu diễn cồng chiêng tại nhà dài cổ

Biểu diễn cồng chiêng tại nhà dài cổ

Đặc biệt, trong những ngôi nhà dài, hầu như đều còn lưu giữ bảo tồn được những bộ cồng chiêng quý như một thứ báu vật của từng gia đình, dòng tộc. Theo quan niệm của người Êđê cồng chiêng là vật thiêng liêng chỉ dùng trong những dịp cúng mừng lúa mới, mừng năm mới và những lễ hội truyền thống.

Một trong những ngôi nhà dài được làm hoành tráng nhất, dài nhất, đẹp nhất, nhiều gỗ quý nhất ở Ako Dhong chính là nhà dài Yang Sing của chị H.Linh Niê, với tổng chi phí khoảng 3 tỷ đồng. Dù là chủ khách sạn, nhà hàng Yang Sing lớn nhất buôn, nhưng vì yêu ngôi nhà dài truyền thống nên chị H.Linh Niê vẫn quyết tâm làm bằng được ngôi nhà dài vừa để ở, vừa đón tiếp khách du lịch. Chị bảo: “Không có gì hạnh phúc và ấm áp bằng được sống trong ngôi nhà dài truyền thống của tổ tiên”.

Cũng như chị H.Linh Niê, người dân trong buôn làm du lịch bằng chính vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Họ đón tiếp và phục vụ du khách bằng những đêm biểu diễn cồng chiêng, lửa trại, múa, hát, kể khan (sử thi) và uống rượu cần ở những ngôi nhà dài.

Có thể nói, buôn Ako Dhong là một trong số ít những buôn làng Êđê hiện nay còn lưu giữ, bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, độc đáo của người Êđê.

Nơi đây thực sự là một bảo tàng thật sống động về văn hóa Êđê giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột. Điều đó chứng tỏ, người Ê đê ở buôn Ako Dhong có ý thức rất sâu sắc về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời họ cũng rất có ý thức trong việc khai thác và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống ấy, để thu hút du khách đến với buôn làng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ