An toàn trường học: Tâm nhà giáo là quan trọng nhất

GD&TĐ - Cần những điều kiện nào để trường học thực sự là môi trường an toàn với học sinh, là nơi để trẻ được phát triển đầy đủ, toàn diện cả về thể chất và tinh thần, dù là trường công lập hay trường ngoài công lập?

Ảnh minh họa/nguồn internet
Ảnh minh họa/nguồn internet

Luật Giáo dục không có quy định riêng về loại hình "trường quốc tế"

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết: Theo Điều 48 của Luật Giáo dục 2005 (đang có hiệu lực) nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình: Trường công lập do Nhà nước thành lập; Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập; Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập.

Tương tự, Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 01/7/2020, cũng quy định 3 loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 47): Trường công lập, Trường dân lập,Trường tư thục. Như vậy, trong Luật Giáo dục không có quy định riêng nào về loại hình "trường quốc tế".

Trường học phải là nơi an toàn cho trẻ (ảnh minh họa - nguồn internet)
Trường học phải là nơi an toàn cho trẻ (ảnh minh họa - nguồn internet)

Theo tiêu chuẩn trường quốc tế trường QT phải có 3 tiêu chí: đạt trên cơ sở nhiều quốc gia, phải sử dụng ngôn ngữ phổ thông quốc tế, chương trình quốc tế nên bằng cấp được nhiều quốc gia thừa nhận.

Cần phải có các quy chế tổ chức và hoạt động

Chia sẻ về quy định trường quốc tế trên thế giới, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, cho biết: Ngay tên quốc tế hiểu 1 cách tương đối, theo tôi có 3 yêu tố cơ bản: chương trình giảng dạy, ngôn ngữ sử dụng giảng dạy, người dạy và người học.

Các trường ở Việt Nam, chương trình bao gồm chương trình tổng thể, chương trình môn học, ngôn ngữ Tiếng Việt. Trường quốc tế, theo đó phải là chương trình quốc tế, ngôn ngữ quốc tế, người dạy và người học phải đa quốc gia.

Ở Việt Nam đang tồn tại trong các văn bản khái niệm trường có yếu tố nước ngoài. Từ lâu chúng ta có các trường do các nước ngoài tài trợ xây dựng như trường Việt Ba, Việt Đức, Việt Nam- Angieri… hay các trường dạy cho người Lào, Campuchia…  có gọi là trường có yếu tố nước ngoài không?

Ví dụ trường Trường Marie Curie Hà Nội là trường Việt Nam thuần túy, nhưng để tăng cường dạy học tiếng Anh, bên cạnh chương trình của Bộ GD&ĐT, trường có sử dụng thêm chương trình dạy Tiếng Anh nước ngoài, do chuyên gia nước ngoài dạy. Vậy hàm lượng yếu tố nước ngoài như thế nào để được gọi là trường có yếu tố quốc tế là điều đặt ra.

Trong 3 loại hình trường trong Luật Giáo dục gồm công lập, dân lập, tư thục. Trong đó có phân nhánh trường công, trường công thuần túy và trường có yếu tố nước ngoài do chuyên gia nước ngoài dạy thì gọi là trường có yếu tố nước ngoài.

Theo thầy Khang, sau khi Luật GD sửa đổi có hiệu lực vào năm 2020, chúng ta sẽ có các văn bản dưới luật gồm các nghị định và thông tư quy định rõ loại hình trường trường quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải có các quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình trường quốc tế. Đây là 1 xu hướng hội nhập quốc tế, song cần có chính sách để thực hiện.

Trường học phải là nơi an toàn cho trẻ

Sau các sự cố trong các nhà trường cho thấy có sự lơ là, tắc trách của người lớn, dẫn đến những hậu quả khó lường cho học sinh. Các tai nạn này đều rất đáng tiếc, không ai mong muốn, nhưng nếu như bản thân ban giám hiệu, các giáo viên, người lớn có ý thức tốt hơn, có trách nhiệm hơn, quan tâm đến sự an toàn của trẻ nhiều hơn, thì có thể hạn chế được nhiều vụ việc đau lòng.

Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết: “Những chuyện đau lòng có thể xảy ra bất kỳ ở trường nào, loại hình trường nào. Là người phụ trách nhà trường, mỗi khi trường bạn có sự cố, trường nào cũng soi lại mình. Sau sự cố đưa đón trẻ em, những người quản lý như chúng tôi rất lo lắng.

Chúng tôi lấy trường bạn làm bài học. Rủi ro tiềm ẩn hàng ngày, chúng ta đều phải ngăn chặn. Ngay cả GV có dấu hiệu bạo hành trẻ em, mục đích là chỉ để răn đe chứ không phải trừng trị, đều là sự cố. Với chúng tôi, đó là bài học, cần tập huấn GV và kiểm điểm lại xem đội ngũ của mình”.

Theo thầy Khang, dù công lập hay tư thục, trường có yếu tố nước ngoài, cái tâm của nhà giáo là quan trọng nhất. Cần đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, những tai nạn diễn ra trong thời gian qua gây ra nỗi lo cho toàn xã hội. Lỗi của ai, xử lý như thế nào đang chờ đợi các cơ quan chức năng. Song, từ việc “cháy nhà hàng xóm”, trường học cần xem lại mình, quy trình đã chặt chẽ chưa, quy định với GV điều nào được làm và không được làm. Cần giao trách nhiệm cụ thể, không gây quá nhiều áp lực cho GV. Các trường, các phòng, Sở cần kiểm tra rà soát lại quy trình, quy định pháp luật, quy chế nội bộ, quá trình triển khai có lỗ hổng nào có thể xảy ra hay không. Quan trọng nhất là sự an toàn của trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ