An toàn là trên hết

GD&TĐ - Thế giới đã không còn xa lạ gì với Covid-19, nhưng “cơn sóng thần” do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ mấy ngày gần đây vẫn khiến bất cứ ai đều thấy khủng khiếp, bàng hoàng.

Nhà trường tăng cường phòng chống dịch. Ảnh minh họa/INT
Nhà trường tăng cường phòng chống dịch. Ảnh minh họa/INT

“Nhân ơi, xin em đừng chết!”, bức thư của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu gửi một kỹ sư Việt Nam đang xây trụ sở cho Đại sứ quán bị nhiễm Covid-19 khiến chúng ta trào nước mắt. Con người đã từng trải qua chiến tranh này trải lòng trên Facebook cá nhân: Kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn tránh máy bay ném bom của Mỹ cũng chưa bao giờ thấy làn ranh giữa cái chết và sự sống mỏng manh đến thế…

Nguyên nhân thảm kịch tại Ấn Độ được đưa ra phân tích, mổ xẻ; trong đó có lý do vì virus biến thể, vì hệ thống y tế yếu kém, đặc biệt vì tâm lý chủ quan của cả chính quyền và người dân. Giữa dịch bệnh, những lễ hội tập trung hàng nghìn người vẫn diễn ra; hàng trăm ngàn người Ấn Độ hành hương về sông Hằng phớt lờ mọi mối nguy hiểm từ Covid-19…

Nói như vậy, để thấy người Việt đang hạnh phúc như thế nào, khi được sống những ngày tháng bình thường và người mắc Covid-19 đang được hưởng sự chăm sóc y tế tốt nhất. Nói như vậy, để chúng ta không thể chủ quan, vì ngay dịp nghỉ lễ này, chỉ cần sơ sảy một chút thôi, chủ quan một chút thôi, cũng có thể kéo đất nước vào nguy cơ thảm cảnh do dịch bệnh. Điều này càng được nhấn mạnh với ngành Giáo dục, khi đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên chiếm đến khoảng 1/4 dân số cả nước.

Hiện nay, 63 Sở GD&ĐT đã có văn bản thông báo lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cho người lao động trong ngành và học sinh, sinh viên. Hầu hết các thông báo này đều yêu cầu lãnh đạo nhà trường tăng cường tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh trong toàn thể cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên theo khuyến cáo của cơ quan y tế; lưu ý thực hiện tốt công tác phòng chống Covid-19; tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác với các nguy cơ dịch bệnh…

Riêng Bắc Giang, trước dịp nghỉ lễ, Sở GD&ĐT tỉnh này đã ra văn bản khẩn yêu cầu nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, trường học trong xây dựng phương án, tình huống và thực hiện biện pháp phòng chống Covid-19; tổ chức truyền thông mạnh mẽ trên các kênh thông tin về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng ở một số nước có chung đường biên giới với nước ta. Yêu cầu nghiêm khắc thực hiện 5K, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng.

Quán triệt để cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên hạn chế tham gia các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết, đặc biệt dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Đặc biệt, Sở GD&ĐT Bắc Giang còn yêu cầu trường học thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch, cập nhật kết quả đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch Covid-19.

Một hiệu trưởng chia sẻ tâm trạng lo lắng trước ngày nghỉ lễ, dù đã sử dụng mọi biện pháp khuyến cáo về dịch bệnh: Nhắc nhở học sinh trên sổ liên lạc điện tử, giáo viên quán triệt đến học sinh và gia đình theo lớp, nhóm lớp; thông báo trên hệ thống loa phát thanh của xã; nhà trường quán triệt giáo viên trong cuộc họp hội đồng; nêu rõ các hình thức kỷ luật nếu vi phạm những quy định phòng chống dịch bệnh…

Lo lắng bởi dù có chỉ đạo, cảnh báo từ cơ quan quản lý, nhưng quan trọng nhất vẫn là từ ý thức của mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên. Mỗi người cần ý thức được sự chủ quan, thiếu tuân thủ của mình có thể ảnh hưởng đến an nguy không chỉ của bản thân, của gia đình mình mà còn ảnh hưởng đến an nguy cả đất nước… Thiếu đi ý thức này, may mắn, hạnh phúc mà chúng ta đang thụ hưởng khó có thể được dài lâu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ