Đây là trạm dừng chân để chúng tôi chờ giao liên các khu đến đón về công tác. Chưa được đón đi thì năm mới Giáp Dần (1974) ập đến.
Để có được một cái Tết vui vẻ, đầm ấm, chúng tôi thành lập một ban tổ chức đón xuân. Ban chia làm 3 tổ là tổ làm bàn thờ, tổ nấu ăn và tổ gói bánh chưng.
Các nguyên liệu chính của bánh chưng là gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn không thiếu, chỉ thiếu lá dong và lạt buộc. Chẳng lẽ chỉ vì thiếu hai thứ ấy mà lại không có bánh chưng một đặc sản ấm thực hàng đầu thì sao gọi là Tết.
Anh chị em chúng tôi hồi ấy còn rất trẻ tuổi đời, có người chưa hề một nửa lần phải gói bánh chưng. Vậy thì làm sao bây giờ? Có người đề xuất: "Tết này ta đành làm xôi nếp thay bánh chưng vậy". "Nhịn bánh chưng một Tết cũng không sao".
Có người vì dễ tính hay vì lười hoặc vì vụng chẳng rõ thì chẳng nói gì, nhưng thực ra là muốn nói: "Anh em làm gì, tớ ăn nấy. Bánh cũng được mà xôi cũng được".
Để anh em bàn bạc kỹ, tôi mới nói: "Các tướng về rừng lấy lá nón về đây tớ gói cho". Tôi dám nói thế vì hồi còn ở ngoài Bắc, tôi đã nhiều lần phải gói bánh chưng.
Bọc ngoài cùng cái bánh là một lớp lá dong, bên ngoài là một lớp lá khác chiều rộng chỗ to nhất bằng 3 ngón tay, dài khoảng 2 gang, hình dáng màu sắc giống lá tre.
Quê tôi gọi lá ấy là lá ỏng hay lá chít. Có lá này sẽ dễ gói, cái bánh sẽ tròn như cái hộp sữa ông thọ, nuột nà, rất đẹp. Không có lá dong, lá chít, ta dùng lá nón vậy.
Có vài người nghi ngờ khả năng của tôi nhưng nhiều người "ngoan ngoãn" làm theo sự chỉ dẫn của tôi. Chúng tôi luộc lá, rửa lá, ngâm gạo, đãi gạo, đãi đỗ, thái thịt làm nhân bánh. Lá nón khó gói hơn lá dong, lá chút nhiều nhưng tôi cố "trổ tài" trước các cặp mắt tròn xoe của nhiều thầy, cô giáo trẻ.
Đêm Ba mươi Tết năm ấy, đêm đầu tiên ăn Tết xa nhà, chúng tôi thức đến sáng quây quanh bếp lửa rừng luộc bánh chưng và các món ăn đón xuân.
Đúng Giao thừa, chúng tôi đem thơ chúc Tết của Bác ra đọc. Anh Tựu người Nghệ An đọc giống giọng Bác quá làm ai cũng rưng rưng nước mắt.
5 giờ sáng mồng Một, một mâm cỗ Tết được bưng lên bàn thờ có ảnh Bác Hồ. Anh Tuấn người nhiều tuổi nhất thay mặt anh em thắp hương cúng trời đất cầu mong cho chúng tôi được một năm an toàn mạnh khỏe may mắn tốt lành.
Cỗ Tết kháng chiến ở rừng thiếu nhiều món nhưng món nào các cô nấu cũng ngon. Đến món bánh chưng thì ai cũng tấm tắc khen tôi gói khéo, nhân đỗ mỡ nằm giữa ruột bánh, vị muối rất vừa, gạo đỗ vo đãi sạch nên bánh không bị sạn, luộc kỹ, bánh mịn, dền, dẻo, thơm.
Sau Tết ít ngày, chúng tôi được đón về các khu, người về khu 8, người ở lại R, người đi khu 9. Buổi chia tay thật lưu luyến, bịn rịn. Đoàn khu 9, mỗi anh được phát một khẩu báng gập. Tạm biệt "cứ" ông Năm Xá, anh nào cũng chĩa nòng súng lên trời khai hỏa mấy phát.
Tôi đi khu 8, em Thuyết - một em trẻ trong tổ gói bánh của tôi ở lại. Lúc tôi bước xuống thuyền ngược sông Vàm Cỏ, mắt em chớp chớp, má em ửng hồng nắm tay tôi hỏi nhỏ: "Anh Hiểu đã có chị Hiểu chưa mà bánh chưng anh gói ngon thế?" Trước lời ngỏ ý của em, tôi chỉ biết đành lòng vậy, cầm lòng vậy chứ biết làm sao đây.
Đã 40 năm trôi qua mà nay xuân về, tôi vẫn cảm thấy như chuyện mới hôm qua...