An ninh, an toàn trường học: Nỗ lực giảm tai nạn giao thông trong học sinh, sinh viên

GD&TĐ - Trong những năm vừa qua, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm đến việc giảm tai nạn giao thông và xây dựng văn hóa tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên trong cả nước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hằng năm trên thế giới có khoảng 1,25 triệu người chết, 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT). TNGT là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15 - 27.

Ở Việt Nam, mặc dù TNGT đã giảm 3 tiêu chí trong những năm gần đây nhưng số người bị chết, bị thương vẫn ở mức cao. Trong 10 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 14.251 vụ TNGT, làm chết 6.318 người, bị thương 10.873 người. Trong đó, TNGT trong độ tuổi thanh niên chiếm 27% số vụ TNGT.

Đã xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vi phạm độ cồn, chất ma túy gây ra, gây thiệt hại lớn về tài sản. Đặc biệt là vụ TNGT nghiêm trọng tại Thái Nguyên ngày 25/8 do mô tô chở 5 người đã tự va vào dải phân cách, làm 4 người chết, 1 người bị thương; cả 5 nạn nhân đều là sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại Thái Nguyên. Thời điểm trước tai nạn, nhóm sinh viên này đi dự sinh nhật bạn và có uống rượu bia.

Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp kiềm chế TNGT nhưng tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến rất phức tạp, việc giảm thiểu TNGT chưa thật bền vững, đặc biệt, số người chết và số người bị thương vì TNGT vẫn ở mức cao. Ước tính mỗi năm, tổn thất do TNGT gây ra ở Việt Nam lên tới gần 50.000 tỷ đồng.

Vấn đề nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu từ yếu tố con người. Vì vậy, công tác giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức cho người dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ thực sự cần thiết. Cần nâng cao nhận thức về ATGT, giúp các bạn HS, SV có ý thức gương mẫu, tự giác chấp hành luật giao thông, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm giao thông trong HS, SV, góp phần thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo ATGT.

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: HSSV vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân gây ra TNGT do nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông hạn chế. Có nhiều trường hợp vi phạm ATGT như: Không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện, đi hàng đôi hàng ba, đèo quá số người quy định, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Ngành GD-ĐT với trên 22 triệu HSSV là nhân tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, giáo dục thế hệ trẻ trở thành những công dân phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật là mục tiêu của các nhà trường. Trong đó, công tác giáo dục ATGT trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các em trước hiểm họa TNGT.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Ban Bí thư và Nghị quyết của Chính phủ về đảm bảo trật tự, ATGT, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu số vụ TNGT và hạn chế thiệt hại do TNGT gây ra trong thời gian tới; Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT, các nhà trường tập trung thực hiện tốt đợt cao điểm hưởng ứng Tháng hành động an toàn giao thông năm 2019 và năm học 2019 - 2020.

Ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh: 2019 - 2020 là năm học đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ATGT trong HSSV, đây là công tác đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ. Các thầy cô giáo, các em HSSV cần chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATGT, nêu cao ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia bảo đảm trật tự ATGT, đồng thời là tuyên truyền viên tốt nhất tới gia đình, bạn bè và cộng đồng dân cư về ATGT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.