Tại buổi họp báo, Ban tổ chức đã có những chia sẻ về cuộc thi Giao thông học đường năm học 2017-2018. Đây là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Triển khai kế hoạch của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia về năm an toàn giao thông 2017 với chủ đề Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên với mục tiêu Tính mạng con người là trên hết; Chương trình phối hợp về tăng cường giáo dục an toàn giao thông trường học giai đoạn 2013-2018.
Cuộc thi sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 12/12/2017 đến tháng 5/2018 với 3 vòng thi: Cấp trường (từ ngày 12/12 đến ngày 18/3/2018), Cấp tỉnh thành phố (từ ngày 2/4/2018 đến ngày 15/4/2018), Vòng thi chung kết toàn quốc (tháng 5/2018). Cuộc thi tổ chức dưới hình thức thi trắc nghiệm, đối tượng dự thi là các em học sinh khối THCS và THPT trên cả nước.
Cuộc thi là hoạt động thiết thực, góp phần giáo dục kiến thức kĩ năng, văn hóa ứng xử cho học sinh khi tham gia giao thồn, giúp các em tiếp cận với các kiến thức về an toàn giao thông một cách gần gũi, tự nhiên theo một hình thức tuyên truyền mới, nhẹ nhàng và hấp dẫn. Đồng thời tạo điều kiện để các em tiếp cận bộ đề thi lí thuyết giấy phép lái xe mô tô hạng A1.
Vòng chung kết Giao thông học đường năm học 2016-2017
Đề thi trong cuộc thi Giao thông học đường được chia theo từng cấp học với hình thức thể hiện phong phú. Trong đó có 584 loại câu hỏi về văn hóa giao thông, 1073 câu hỏi về luật giao thông đường bộ và 168 câu hỏi tình huống video 3D. Qua đó, nhiều tình huống giao thông được mô tả sinh động, giúp người thi dễ hình dung.
Nội dung câu hỏi bám sát vào các tình huống giao thông thường gặp trong đời sống, trở thành những hướng dẫn, những bài học bổ ích, giúp các em nhận biết các tình huống giao thông nguy hiểm, qua đó có các kĩ năng phòng tránh tai nạn và có văn hóa tham gia giao thông văn minh.
Tại buổi họp báo, ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia bày tỏ lo ngại khi những năm gần đây, tình trạng tai nạn giao thông trong học sinh tăng cao. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông và cần thực hiện nhanh chóng nhằm góp phần phát triển môi trường giao thông an toàn, lành mạnh cho các em học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Ông Dương Văn Bá- Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ GD&ĐT quyết định giữ lại Cuộc thi "Giao thông học đường" sau khi thực hiện chủ trương tinh giản các kỳ thi, cuộc thi, hội thi dành cho học sinh phổ thông thời gian vừa qua bởi đây là cuộc thi có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông của các em học sinh trong cả nước.