Ăn nhiều trứng có gây mỡ máu cao?

GD&TĐ - Trứng là một trong những “siêu thực phẩm” có nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Các khoáng chất trong trứng rất dễ hấp thu vào cơ thể.  

Cholesterol trong trứng gà không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cholesterol trong trứng gà không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thích ăn nhưng không dám

Mới đây, trong một đợt kiểm tra sức khỏe của công ty chị Nguyễn Mai Hoa (26 tuổi, Hà Nội) bị mỡ máu cao. Khi cầm trên tay tờ khám sức khỏe có vấn đề về mỡ máu, chị Hoa đã rất lo lắng. Chị Hoa cho rằng do thường xuyên ăn trứng nên mới bị mỡ máu cao. Từ khi bị mỡ máu cao, chị Hoa đã không dám ăn trứng. Dưới đây là sự lý giải của chuyên gia về vấn đề cholesterol trong trứng liệu có nguy hiểm hay không.

TS. Từ Ngữ Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam cho hay: “Trứng là một trong những thực phẩm giàu đạm và dễ hấp thu vào cơ thể. Trứng là một thực phẩm giàu cholesterol tuy nhiên chúng ta phải hiểu đầy đủ hơn về cholesterol trong trứng. Trong lòng đỏ trứng có cholesterol nhưng trong lòng trắng lại có chất ngăn ngừa cholesterol xấu vì vậy nên ăn trứng cả quả”.

Mọi người cần hiểu cholesterol ở trong máu cao nếu do rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, nói cách khác là cholesterol nội sinh sẽ rất nguy hiểm không phụ thuộc vào ngoại sinh.

Cholesterol ngoại sinh là do ăn vào sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng nếu là cholesterol nội sinh thì có thể gây ra nguy hiểm đối với người có bệnh tim mạch và cao huyết áp.

“Hiện nay, mọi người đang chỉ nói về tác hại của cholesterol mà không nhắc tới lợi ích của cholesterol. Ở trên não, lượng mỡ trong não bộ là cholesterol , nếu thiếu sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của não”, TS. Từ Ngữ nói.

Ăn nhiều rau xanh hoa quả sẽ giúp giảm mỡ máu cao

Đồng quan điểm TS. Từ Ngữ, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng viện y học ứng dụng cho hay, trứng là thực phẩm giàu cholesterol (khoảng 141-234mg/quả). Vào những năm 70, một số chế độ ăn khuyến cáo nên hạn chế ăn trứng hàng ngày vì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hội tim mạch thế giới đã công bố nghiên cứu ăn trứng hàng ngày sẽ không làm cho mức cholesterol vượt quá nhu cầu hàng ngày và không làm tăng mỡ máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Trong cơ thể con người có 2 loại cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL). Chế độ ăn quá nhiều LDL trong máu có thể làm dày lên ở thành các động mạch dẫn đến tim và não.

Cholesterol xấu sẽ làm tăng nguy cơ tạo lên các mảng bám có thể khiến các mạch máu bị hẹp lại và tắc nghẽn và khiến cục máu đông dễ hình thành hơn. Khi cục máu đông nếu tắc nghẽn ở các mạch máu lớn như tim, não sẽ nguy hiểm cho các cơ quan này.

Trước những ý khiến cho rằng ăn nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc mỡ mãu cao, TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng cho hay: “Không có chuyện ăn nhiều sẽ bị mỡ máu.

Ăn nhiều ở đây chúng ta cần phải hiểu đúng bản chất. Ví dụ, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa có thể gây ra tình trạng mỡ máu cao. Nhưng với chế độ ăn nhiều rau xanh thì lại giảm nguy cơ tăng cholesterol xấu”.

Thường xuyên ăn hàng quán, những bữa cơm gia dình đang dần bị thiếu vắng khiến cho nguy cơ mắc các bệnh không lây ngày càng tăng lên. Đặc biệt những món ăn đường phố chiên, rán, xào nhiều dầu mỡ có nguy cơ làm tăng cholesterol xấu trong máu hay mỡ máu cao.

Mỡ máu cao còn gặp ở những người lười vận động hoặc do yếu tố di truyền. Việc không vận động sẽ làm cho năng lượng không thể tiêu hao vào tăng khả năng tích lũy mỡ trong cơ thể.

Biện pháp giảm mỡ máu hiệu quả

Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, thay đổi chế độ dinh dưỡng là biện pháp phòng ngữa mỡ máu hiệu quả nhất.

- Tránh ăn các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, bao gồm thịt, sữa, phô mai, sữa nguyên chất và bơ.

- Hấp thu 25% - 35% lượng calo từ chất béo không bão hòa.

- Ăn ít các loại bơ thực vật, bánh nướng và bánh ngọt càng ít càng tốt.

- Duy trì cân nặng thích hợp

- Tăng chất xơ hòa tan trong chế độ ăn uống gồm quả bí, táo, khoai tây nướng, quả việt quất, bông cải xanh, cải bắp, cà rốt, súp lơ, cam chanh, chà là, đậu khô, đậu lăng, mận và dâu tây.

- Ăn thêm các loại thực phẩm có chứa stanol và stenol thực vật như mầm, cám lúa mì, đậu phụ, dầu thực vật (bắp, vừng và dầu oliu), quả hạnh để làm giảm cholesterol xấu LDL.

- Chọn thịt gia cầm, sữa và các thực phẩm nạc, ít chất béo hoặc không béo.

- Loại bỏ mỡ trước khi nấu.

- Thay vì chiên thịt hoặc cá thì có thể thay thế bằng nướng, hấp.

- Ăn thêm các loại ngũ cốc và rau xanh để tăng lượng chất xơ, làm giảm cholesterol.

- Kiểm tra thành phần dinh dưỡng trên các nhãn hàng để biết lượng chất béo có trong thực phẩm mà bạn sẽ ăn.

Theo Phununews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ