Đó là câu chuyện của gia đình ông Du, 68 tuổi, sống tại Sâm Châu, Hồ Nam (Trung Quốc). Sau khi về hưu, ông có sở thích trồng rau ở khu vườn nhỏ của mình để hàng ngày cả nhà được ăn rau sạch.
Ngày 11/8 vừa qua, nơi ông ở đón nhận cơn bão Lekima, ông Du vô cùng tiếc nuối vì vườn rau của mình đã bị úng nước chết sạch. Thậm chí những quả mướp trên giàn cây cũng bị gió thổi rụng xuống vũng nước.
Vậy là mọi công sức chăm bẵm đều tiêu tan, may sao vẫn còn mấy quả mướp trông có vẻ vẫn ổn, ông tiếc rẻ không muốn vứt đi nên đã đem chúng về nhà để chuẩn bị bữa tối.
"Tối hôm ấy, tôi đã rửa sạch mướp, gọt vỏ và xào với trứng. Ngoài cô con dâu không ăn cơm nhà, 2 vợ chồng tôi cùng con trai, cháu gái đều đã ăn món này thật nhiều", ông Du kể lại.
1 giờ sau khi ăn tối, ông Du và vợ bắt đầu có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, liên tục phải ra vào nhà vệ sinh và tiếp tục sốt cao tới 39 độ C.
Con trai ông Du đã nhanh chóng đưa bố mẹ đến Trung tâm y tế cấp cứu của Bệnh viện số 2 Chương Châu. Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán ông bà đã bị "viêm dạ dày ruột cấp".
Sau khi bố mẹ được bác sĩ chỉ định nằm điều trị theo dõi ở Khoa Tiêu hóa thì con trai ông Du cũng bắt đầu cảm thấy cơ thể bất ổn, đo nhiệt độ cho thấy anh này cũng sốt lên đến 39 độ C. Bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán anh cũng bị "viêm dạ dày ruột cấp".
7 giờ sáng hôm sau, cô cháu gái 16 tuổi của ông Du tên Tiểu Chu cũng phải vào viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, tiêu chảy và sốt cao.
Cả gia đình ông Du đã phải vào viện cấp cứu vì ăn món mướp xào. (Ảnh: sohu).
Sau khi tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh của cả gia đình 4 người này, bác sĩ Hong Jiemin, trưởng khoa Tiêu hóa của Bệnh viện số 2 Chương Châu cho hay: "Mùa hè là thời điểm rất nhiều trường hợp nhập viện vì viêm dạ dày ruột cấp. Đặc biệt trường hợp này xảy ra nhiều sau cơn bão vì người dân thường ăn các thực phẩm ngâm trong nước. Ví dụ như gia đình ông Du đã ăn mướp bị úng nước".
Do điều kiện mùa hè thời tiết nóng, vi khuẩn và vi sinh vật rất dễ sản sinh trên thực phẩm dẫn đến hư hỏng. Đặc biệt, sau khi cơn bão đi qua, điều kiện vệ sinh vô cùng tồi tệ, nhiệt độ tiếp tục tăng cao càng giúp vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhiều hơn.
Nếu người dân ăn phải những thực phẩm bẩn hoặc không tươi ngon thì khả năng ngộ độc là hoàn toàn có thể xảy ra.
Cũng theo bác sĩ, để tránh mắc bệnh viêm dạ dày ruột cấp người dân cần chú ý đến một số vấn đề sau:
- Cẩn thận trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nên rửa tay trước và sau khi ăn.
- Tránh ăn ở những hàng quán kém vệ sinh, cần chú ý ăn ít đồ lạnh.
- Đối với những thực phẩm đã bị hỏng, đừng vì tiếc của mà giữ chúng lại vì có thể gây bệnh.
- Hãy cố gắng ăn hết thức ăn trong ngày, đừng lưu trữ cho bữa ăn ngày hôm sau.
- Nếu có bất kỳ triệu chứng nào về bệnh viêm dạ dày ruột cấp như đau bụng, tiêu chảy, sốt cao hãy đến bệnh viện gấp để được kịp thời thăm khám và điều trị.