Không cần biết khả năng của mình đến đâu. Không quan tâm đến thuần phong mỹ tục thế nào. Không để ý phản ứng của dư luận ra sao… Đó là tâm thế khá phổ biến của không ít người trẻ - trong đó có một số bước đầu thu hút được sự quan tâm của công chúng - khi bước vào thế giới MV bằng những sản phẩm nhảm nhí, chỉ để “làm điều tôi thích” và bảo thủ đến mức “chẳng bao giờ hoài nghi chính mình”!
Có thể dẫn chứng từ việc gần đây cộng đồng đã liên tục than phiền vì sự trở lại với ca hát bằng hai MV “Black Hickey” và “Sashimi” của diễn viên Chi Pu.
Vốn từng gây không ít tranh cãi về khả năng ca hát nhưng lần tái xuất này của Chi Pu đã không đem lại những hy vọng mới về những nỗ lực như cô vẫn tuyên bố mà còn khiến dư luận dậy sóng trước một sản phẩm âm nhạc vừa có ngôn từ vô nghĩa vừa có những vũ điệu minh họa đậm màu sắc gợi dục, thô thiển.
Trước đó, rapper Bình Gold cũng vấp phải chỉ trích với những sản phẩm âm nhạc có ngôn từ thô tục, động tác minh họa phản cảm như: “Trơn”, “Bốc bát họ”, “Ông bà già tao lo hết”... Thực ra, những MV kiểu này vẫn xuất hiện không ít trong thời gian qua, có thể kể đến: “Cần xa” của Hiền Hồ, “Đi đu đưa đi” của Bích Phương, “Em muốn cho anh xem này” của Nhã Tiên, “Mẩy thật mẩy” của BigDaddy…
Chắc chắn rằng sẽ không ai phản ứng hay chê trách việc mỗi người dám làm điều họ muốn, họ thích nếu cái sự muốn và thích ấy thực sự hữu ích, thiết thực cho cộng đồng. Nhưng sẽ chẳng thể chấp nhận được nếu những điều đó khiến cho đời sống văn hóa giải trí của cộng đồng bị vẩn đục, ô nhiễm bởi những lời hát nhạt nhẽo, nhảm nhí; những vũ điệu xấu xí, nhố nhăng, trái với thuần phong mỹ tục…
Và thật nguy hiểm khi những sản phẩm âm nhạc dung tục ấy đang cuốn giới trẻ vào những mỹ từ “làm điều tôi thích” khiến không ít người lầm tưởng đó là cách thể hiện mình, chấp nhận được, từ đó bị ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tính cách, tâm sinh lý.
Ở thời mạng xã hội lên ngôi thì những sản phẩm âm nhạc bẩn ấy lại càng dễ dàng bị phát tán, lan rộng. Chỉ đến khi bị cộng đồng phát hiện và lên tiếng, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, tuýt còi chúng mới bị gỡ bỏ hoặc ẩn đi. Nhưng, chờ đến khi đó thì cũng đã có hàng triệu lượt xem và không chừng trong đó phần lớn là thanh thiếu niên.
Trách nhiệm xây dựng một đời sống văn hóa giải trí không thuộc về riêng ai, vì vậy, đừng vì câu view, đừng vì để chiều lòng sở thích của cá nhân mà ai đó cũng có thể thản nhiên quẳng ra cộng đồng những sản phẩm âm nhạc dung tục, phản cảm.
Đồng thời, cũng rất cần sự quản lý sát sao cùng chế tài xử phạt mang tính răn đe mạnh từ các cơ quan chức năng thì mới có thể đẩy lùi và loại bỏ những sản phẩm văn hóa độc hại này ra khỏi đời sống tinh thần của cộng đồng hôm nay.