Nhận biết các dạng sốt ở trẻ
Khi thấy trẻ mặt má đỏ bừng hoặc hơi tái, mắt mất vẻ tinh nhanh, trẻ hay quấy khóc hay mệt mỏi, ngủ nhiều. Sờ trán, lòng bàn tay hoặc chân tay thấy trẻ nóng; hay lấy má người mẹ áp lên trán của trẻ thấy nóng hơn là trẻ bị sốt.
Cách phát hiện chính xác nhất là dùng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ, nếu nhiệt độ ở trên 37,5 độ C là trẻ bị sốt. Những dấu hiệu khác kèm sốt ở bé là: cáu kỉnh, hôn mê, ăn uống kém, khóc, thở nhanh, có thể co giật do sốt cao...
Các lý do sốt phổ biến dễ khiến trẻ bị sốt bao gồm: cảm lạnh, cảm cúm, đau họng, nhiễm trùng tai, bệnh đường hô hấp (như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, mọc răng, tiêm chủng, do muỗi truyền bệnh...
Thận trọng với những cơn sốt ở bé dưới 6 tháng. Nếu bé sốt cao trên 38 độ C cùng các triệu chứng khác, nó có thể cảnh báo bệnh nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm:
- Bé buồn ngủ, người lả đi.
- Bé không muốn ăn uống suốt nhiều giờ đồng hồ.
- Thóp chìm, kèm khô môi, tiểu vàng đậm, tiểu ít. Có thể là dấu hiệu của mất nước.
- Nổi ban không rõ nguyên nhân.
Co giật do sốt
Co giật do sốt có thể xảy ra ở cả bé sơ sinh và bé nhũ nhi khi sốt cao. Co giật do sốt hiếm khi gây hại nhưng thường khiến cha mẹ hoảng hốt vì biểu hiện của nó. Nó thường chỉ kéo dài 20 giây, hiếm khi hơn 2 phút.
Tuy nhiên, nếu bé bị co giật do sốt, cha mẹ không được chủ quan. Nên đưa bé đi khám. Bác sĩ sẽ kiểm tra để xác định nguyên nhân phù hợp ở bé. Trong khi đưa bé đi khám, cha mẹ nên nới lỏng quần áo cho con và loại bỏ các vật con đang ngậm.
Cách hạ sốt nhanh và khoa học cho trẻ vào mùa lạnh
PGS. TS. BS Tôn Nữ Vân Anh - Bệnh viện Trung ương Huế đưa ra một số lưu ý cần thiết giúp cha mẹ hạ sốt và chăm sóc con hiệu quả tại nhà khi thời tiết lạnh.
Nếu trẻ sốt nhẹ nhiệt độ từ 37,5 - 38,5 độ C chưa cần dùng thuốc hạ nhiệt mà chỉ cần cởi bớt quần áo, cho trẻ uống nhiều nước, nếu trẻ đang bú mẹ cho bú nhiều hơn. Tránh để trẻ ở nơi có gió lùa, tiếp tục theo dõi nhiệt độ.
Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C cần cởi bớt quần áo, giữ nhiệt độ phòng ấm áp, cho uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc ở hậu môn.
Khi trẻ bị sốt vào trời lạnh, cha mẹ cũng không nên ủ ấm, cho trẻ mặc áo quá dày để cơ thể có thể tỏa nhiệt nhanh hơn. Mặc nhiều sẽ khiến não trẻ không xác nhận được nhiệt độ thực, chức năng điều chỉnh nhiệt độ của não bị xáo trộn khiến trẻ hay tái ốm trở lại, ngoài ra, việc ra nhiều mồ hôi khiến mồ hôi thấm ngược lại cơ thể khiến trẻ bị viêm phổi.
Tắm nước ấm đúng cách: Mẹ nên tắm cho bé trong phòng kín gió, pha nước tắm thấp hơn 3 độ so với thân nhiệt của trẻ, tắm nhanh trong vòng 5 phút sau đó lau khô người và mặc cho bé quần áo thoáng, thấm mồ hôi. Hoặc có thể lau vùng nách, bẹn và lưng cho bé là đủ. Tắm nước ấm giúp bé thư giãn, ngủ ngon hơn và sớm bình phục.
Chườm bằng khăn ấm: Chườm ấm toàn bộ bề mặt da trong giai đoạn ngắn để giúp trẻ thải bớt nhiệt. Sau đó, giải nhiệt tại nách, bẹn. Cuối cùng lau mát toàn bộ cơ thể để tránh co mạch (sử dụng nước khoảng 30 độ C). Cách này đặc biệt hiệu quả khi bé sốt dưới 38,5 độ C
Bú mẹ và uống đủ nước: Trẻ dưới 6 tháng tuổi khi sốt sẽ rất háo nước, vì vậy mẹ nên tích cực cho bé bú mẹ để bổ sung nước cho cơ thể. Với các bé trên 6 tháng, nên bổ sung nước bằng các món ăn dặm cung cấp nhiều vitamin C, có tính mát, giải nhiệt.
Không gian chăm sóc thoáng đãng: Khi trẻ bị ốm, nhiệt độ trong phòng nên được điều chỉnh để con cảm thấy thoái mái, không quá kín và bí hơi, cũng không được quá lạnh. Mẹ nên có nhiệt kế đo nhiệt độ phòng để điều chỉnh phù hợp.
Mặc đủ áo: Lưu ý thường xuyên giữ ấm vùng tay, lưng, bụng và bàn chân, để đầu trẻ được thoải mái, không ủ quá kín (phương pháp 4 ấm - 1 lạnh). Mặc nhiều hơn 4 lớp áo có thể khiến trẻ khó hoạt động và ra nhiều mồ hôi gây thấm ngược và cơ thể.
Chọn thuốc hạ sốt: Thuốc chứa các thành phần paracetamol có ít tác dụng phụ nên thường được dùng dưới dạng uống hoặc dàng viên đặt hậu môn. Thuốc cần được dùng theo đúng liều lượng phù hợp với cân nặng của trẻ, tốt nhất mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.