Ấn Độ: Lớp học ngoài trời thời Covid-19

GD&TĐ - Hàng loạt học sinh tại Ấn Độ bị tụt lại phía sau khi đại dịch bùng phát. Các tổ chức từ thiện đã nỗ lực, giúp các em được tiếp cận với giáo dục.

Các trung tâm học tập ngoài trời đã mọc lên khi trường học trên khắp Andhra Pradesh đóng cửa.
Các trung tâm học tập ngoài trời đã mọc lên khi trường học trên khắp Andhra Pradesh đóng cửa.

Đại dịch bùng phát, khiến các trường học tại Ấn Độ đóng cửa và chuyển sang giảng dạy trên mạng. Cha mẹ của Aviti Keerthana (9 tuổi) tại Andhra Pradesh, phía Đông Nam Ấn Độ, là những công nhân thu gom rác. Aviti có ước mơ trở thành bác sĩ.

Tuy nhiên, khu vực cô bé sinh sống không có điện. Gia đình Aviti chỉ có một chiếc điện thoại di động. Khi trường học giảng dạy trực tuyến, Aviti bị tụt lại phía sau cho đến khi được nhà từ thiện địa phương Jones Manikonda (47 tuổi) giúp đỡ.

Một cuộc khảo sát vào tháng 7 của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho thấy, trẻ em trong 62% hộ gia đình Ấn Độ đã dừng việc học do Covid-19. Ấn Độ có khoảng 320 triệu trẻ em theo học tại 1,5 triệu tổ chức giáo dục. Có 70% trường học do chính phủ điều hành. Tuy nhiên, rất ít trẻ em có thể tiếp cận các lớp học trực tuyến.

Một cuộc khảo sát năm 2017 - 2018 cho thấy, 23,8% hộ gia đình Ấn Độ có quyền truy cập Internet và 12,5% sinh viên được tiếp cập điện thoại thông minh. Chỉ 8% hộ gia đình có trẻ em được tiếp cận máy tính và kết nối Internet. 

“Thật đau đớn và kinh ngạc trước thực tế là, mặc dù sống ở trung tâm của một thành phố giàu có, phát triển tốt, nhiều người không có điện thoại, Internet, hoặc thậm chí là những thứ cơ bản như điện và nước uống”, nhà từ thiện Manikonda nói.

Manikonda đã lắp đặt một chiếc tivi trong khu phố của Aviti để trẻ em có thể xem giáo viên giảng bài qua truyền hình. Tuy nhiên, hầu hết khu vực bà Manikonda đến thăm không có điện.

“Lắp đặt tivi không phải là một lựa chọn. Chúng tôi phải làm một điều gì đó khác. Đó là khi chúng tôi nảy ra ý tưởng về các trại học tập tạm thời”, nhà từ thiện này nói.

Tận dụng không gian ngoài trời làm lớp học, tấm nhựa làm sàn, bảng trắng và bút, các tình nguyện viên giảng dạy từ trung tâm này sang trung tâm khác trên toàn thành phố. Nhờ đó, giúp trẻ em có thể quay lại học tập. Các trung tâm học tập này ngày càng phát triển và được các mạnh thường quân ủng hộ. Đã có 15 trung tâm trên toàn thành phố với hơn 750 trẻ theo học. 

Ở những vùng khác của đất nước, giáo viên đi khắp các ngôi làng để giảng bài qua loa. Tại Guwahati, Assam, phía Đông Bắc Ấn Độ, Akshar Forum - trường học dành cho trẻ em nghèo, đang “vật lộn” để giúp học sinh theo kịp kiến thức.

“Gần 60% học sinh của chúng tôi đến từ các gia đình không có điện thoại thông minh hoặc kết nối Internet và đôi khi không có điện. Chúng tôi chuẩn bị bài tập hàng tuần cho các môn học. Phụ huynh đến trường một lần mỗi tuần để nộp bài trẻ đã hoàn thành từ tuần trước. Sau đó, họ nhận các phiếu bài tập cho tuần tới”, người sáng lập trường - Parmita Sarma cho biết. 

Tuy nhiên, bà Parmita nhận định, đây không phải là một giải pháp. Vì vậy, nhà trường đang nỗ lực hết sức.

“Học sinh của tôi có hoàn cảnh khó khăn. Họ đến trường để trốn chạy cuộc sống. Chúng tôi không đóng cửa trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, vì bọn trẻ muốn đến trường. Nhưng bây giờ, họ đang mắc kẹt trong nhà với những phụ huynh thất nghiệp. Điều đó đồng nghĩa rằng, trẻ thất vọng nhiều hơn, có khả năng bị lạm dụng và các vấn đề về sức khỏe tâm thần của trẻ em đã tăng gấp ít nhất 10 lần”, bà Parmita chia sẻ.

Ở Tamil Nadu, NalandaWay Foundation - một tổ chức từ thiện giáo dục, đã thành lập đường dây trợ giúp riêng. 

“Nhóm học sinh từ 14 - 17 tuổi đang chuẩn bị cho kỳ thi. Họ đang đối mặt với sự không chắc chắn. Để đáp ứng các yêu cầu thực tế và giải đáp thắc mắc, chúng tôi đã thiết lập đường dây trợ giúp”, người sáng lập Sriram V Ayer cho biết.

Từ tháng 4 - 5, tổ chức này cung cấp dụng cụ học tập cho 27.000 học sinh dưới 10 tuổi. Ông Sriram chia sẻ: “Nhiều năm làm việc đưa bọn trẻ đến trường , chúng tôi không thể để điều đó trở thành vô ích”.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.