Damor, người mẹ 34 tuổi của 3 đứa trẻ cho biết: “Việc có một nhà vệ sinh thay đổi cuộc đời tôi. Tôi có thời gian ngủ nhiều hơn. Tôi không còn phải kiếm cớ đi bệnh viện để sử dụng phòng vệ sinh sạch sẽ với nước, đèn điện và cửa ra vào đóng kín nữa”.
Trước đây, hồi còn chưa có nhà vệ sinh, việc tìm nơi kín đáo giữa những hàng cây trần trụi vào mùa thu để đi vệ sinh rất khó khăn, trong khi mùa mưa thì phải vừa đi vừa mang ô rất là nặng tay.
Tuy nhiên, làng Bhuwalia của cô là một trong những câu chuyện thành công về chiến dịch y tế cộng đồng đưa ra bởi Thủ tướng Narendra Modi từ lúc nhậm chức vào năm 2014. Những ngôi nhà ở Bhuwalia giờ đều tự hào với những nhà vệ sinh sử dụng công nghệ với thiết kế chảo nghiêng giúp tiết kiệm nước sử dụng ở khu vực thường hay xảy ra hạn hán.
Theo chương trình của Thủ tướng Modi, mỗi hộ gia đình nông thôn xây dựng nhà vệ sinh sẽ được thưởng 15 nghìn rupee, một lợi ích lớn tới những người như Damor với thu nhập gia đình hàng tháng thấp dưới 10 nghìn rupee. Chính phủ Ấn Độ cho biết, họ đã xây dựng hơn 86 triệu nhà vệ sinh trên đất nước 1,25 tỷ dân từ tháng 10/2014 đến nay. Họ cũng cho biết, họ đã giảm được số người phải đi vệ sinh ngoài trời từ 550 triệu người trong năm 2014 xuống còn ít hơn 150 triệu người.
“Swachh Bharat Abhiyan” (tạm dịch: Nhiệm vụ Ấn Độ Sạch) đặt mục tiêu kết thúc hoàn toàn hiện tượng đi vệ sinh ngoài trời kể từ ngày 2/10/2019 trở đi, kỉ niệm ngày sinh nhật của vị anh hùng độc lập dân tộc và nhà tiên phong về vệ sinh Mahatma Gandhi. Chiến dịch hàng tỷ đô la kết hợp việc nâng cao nhận thức với phân phát trợ cấp phục vụ việc xây dựng nhà vệ sinh, tuyên dương cá thể trước cộng đồng và phê phán các đối tượng vẫn tiếp tục giữ hành vi đi vệ sinh ngoài trời.
UNICEF, một trong nhiều tổ chức toàn cầu hỗ trợ sứ mệnh này của Ấn Độ đã tiến hành một chiến dịch nâng cao nhận thức người dân quy mô lớn ở những vùng xa xôi hẻo lánh nhất quốc gia với khẩu hiệu “Phân phải đi vào nhà vệ sinh”.
Rushabh Hemani, người làm việc cho UNICEF tại Rajasthan cho biết: “Chúng tôi cho họ thực sự thấy những con ruồi bậu vào phân sau đó sẽ bám vào thức ăn và nước uống của họ như thế nào. Nhận thấy rằng loài ruồi là tác nhân gây ra bệnh tật, họ đã hiểu được sự cần thiết của việc dùng toilet”.
Chiến dịch cũng phải đối mặt với nhiều thử thách khác. Nhiều làng ở huyện Dungarpur không có đường để đi tới, khiến việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhà vệ sinh trở nên vô cùng khó khăn. Một báo cáo nghị viện Ấn Độ phát hành trong tháng 3 nhắc đến những mối lo ngại đáng được chú ý về việc hối thúc xây dựng các nhà vệ sinh mà không đảm bảo rằng chúng đang được sử dụng đúng mục đích. Thường nhiều dân làng xây dựng nhà vệ sinh nhưng rồi lại sử dụng nó như một kho chứa đồ.
Để khuyến khích mọi người sử dụng nhà vệ sinh, đội ngũ nhân viên chính phủ và tình nguyện viên đã đi khảo sát các ngôi làng và công khai phê phán những đối tượng vẫn chưa bỏ được thói xấu đi vệ sinh ngoài đường.