Thời tiết mùa hè nắng nóng, việc lựa chọn các món ăn giải nhiệt trong bữa cơm là điều được nhiều gia đình lựa chọn. Trong số các món ăn đó, canh cua được mọi người lựa chọn nhiều nhất.
Cua có thể kết hợp để chế biến thành nhiều món như nấu canh, làm bún riêu… Tuy nhiên, khi ăn cua cũng cần phải hết sức lưu ý nhất là khi kết hợp các thực phẩm và một số người cần hạn chế hoặc không nên sử dụng cua đồng.
Thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, cua là món ăn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe đặc biệt vào mùa hè. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, cua có hàm lượng dinh dưỡng cao và có nhiều khoáng chất tự nhiên có lợi cho cơ thể, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như suy giảm trí nhớ, tim mạch, thậm chí cả ung thư.
Theo đó, trong 100g thịt cua đồng có protid 12,3g; lipid 3,3g; glucid 2g; canxi 120 mg; sắt 1,4mg; phosphor 171mg…. Trong đó, chất lượng protid có trong cua cũng thuộc loại tốt và có 8/10 axit amin cần thiết như lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threoninne và trytophane.
Những người không nên ăn cua đồng
Dù có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, khi chế biến cũng như ăn cần phải đặc biệt lưu ý để không gây hại với sức khỏe. Bởi có một số người không nên ăn hoặc hạn chế ăn cua đồng, điển hình như những người có cơ địa dị ứng với cua.
Người có cơ địa dị ứng nếu ăn cua đồng sẽ rất nguy hiểm, thậm chí còn gây nên tình trạng sốc phản vệ phải nhập viện cấp cứu. Với những trường hợp sốc phản vệ dù là với thực phẩm, nhưng không được cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Phụ nữ mang thai cũng được khuyến cáo nên hạn chế ăn cua, vì trong đông y cua có vị mặn, tính hàn, hơi độc, hoạt huyết là thuốc để chữa chứng đau ngã, sưng, làm tan máu kết cục… nên người có thai yếu, sảy thai không nên ăn vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi.
Những người bị hen, bị gút, bị đau bụng tiêu chảy… cũng được khuyến cáo không nên ăn cua đồng.
Những thực phẩm "đại kỵ" với cua đồng
Thông thường ngoài bún riêu cua kết hợp với bỗng, cà chua, đậu phụ… Trong cuộc sống hàng ngày, cua được nấu kết hợp thành canh với nhiều loại rau như mồng tơi, hoa thiên lý và ăn cùng cà muối…
Lương y Vũ Quốc Trung cũng cho biết cua đồng không nấu hoặc ăn cùng với khoai lang, khoai tây vì các chất có trong cua, kết hợp với các chất có trong khoai tây, khoai lang sẽ có nguy cơ kết sỏi gây sỏi thận.
Ngoài ra, cua đồng cũng không nên ăn chung với các loại quả giàu vitamin C như lê, cam, hồng,… vì những loại qủa này có chứa hàm lượng axít tannic nếu ăn chung với cua đồng sẽ dẫn đến kết tủa, gây nên tình trạng khó tiêu hóa, thậm chí là ngộ độc.
Cua đồng cũng được cho là đại kỵ khi nấu chung hoặc sử dụng cùng mật ong, hoặc thực phẩm có nấu cùng mật ong. Nếu dùng chung dễ gây tiêu chảy và có thể dẫn đến ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.
Một số lưu ý khi chế biến cua đồng để tránh rước bệnh
Tuyệt đối không chế biến các món ăn từ cua đã chết, kể cả việc giã lấy nước nấu canh. Bởi khi cua chết sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, nếu cố tình sử dụng sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Không nên ăn cua sống hoặc cua chưa nấu chín kỹ, TS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành (Việt Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết, ăn cua sống hoặc chưa được nấu chín kỹ rất nguy hiểm, ngoài vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, trong cua sống có nhiều ký sinh trùng như sán lá phổi.
Nếu ăn phải cua có chứa sán lá phổi người bệnh sẽ bị tấn công, gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Thực tế đã có trường hợp bị sán lá phổi phải nhập viện điều trị.
Ngoài những vấn đề trên, các bà nội trợ cũng cần phải lưu ý khi chọn mua cua đồng. Ví dụ khi mua cua phải chọn cua cái sẽ chắc thịt hơn cua đực, chọn cua còn sống khỏe, đủ càng, không chọn cua quá to hoặc có nhỏ, không chọn cua đang có trứng hoặc đang đẻ vì nấu sẽ bị hoi.
Khi chế biến cần phải cân đối sử dụng phù hợp, không dùng từ bữa này sang bữa khác vì cua có nhiều chất dinh dưỡng dễ bị các vi khuẩn có hại làm hỏng, gây ôi thiu…