Cụ thể, chính quyền UAE cho rằng, Qatar đã hỗ trợ, tài trợ và “bắt tay” với các tổ chức khủng bố, các tổ chức Hồi giáo cực đoan. UAE gia hạn cho các nhà ngoại giao Qatar 48 giờ để thu dọn hành lý rời khỏi đất nước.
Tương tự với UAE, Ả-rập Xê-út cho biết nước này đã cắt toàn bộ sự kết nối với Qatar qua đường hàng không và đường biển. Ngoài ra, liên minh quân sự do Ả-rập Xê-út dẫn đầu hoạt động ở Yemen cũng đã loại bỏ Qatar ra khỏi “đội hình” với lý do Qatar hỗ trợ tổ chức khủng bố al-Qaeda. Trong khi đó, Bahrain đã yêu cầu công dân của nước này đang sinh sống, làm ăn và học tập ở Qatar rời khỏi nước này trong vòng 14 ngày sau tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, cắt đứt liên lạc qua đường hàng không và đường biển với Qatar.
Là một trong những quốc gia đầu tiên ở Trung Đông tuyên bố “tẩy chay” Qatar, thông tin phát đi từ thủ đô Cairo của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết: “Chính phủ Cộng hòa Ả Rập Ai Cập đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì sự thù địch liên tục mà chính quyền Qatar duy trì đối với Ai Cập”.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2017, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng đã lên án, chỉ trích Qatar và cho rằng nước này có các hoạt động hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các phe nhóm chính trị chống đối, cực đoan ở Libya, Ai Cập, Syria, Yemen và Tunisia, mở rộng đến khu Trung Á, Bắc Phi, Sừng châu Phi và thậm chí ngay tại các quốc gia vùng Vịnh.
Ngay khi cáo buộc được đưa ra, các quốc gia chủ chốt của GCC như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã bày tỏ sự bất bình với Qatar vì những phát ngôn ủng hộ Iran của người đứng đầu nước này. Mặc dù, Qatar lên tiếng phủ nhận các cáo buộc đứng về phía Iran và cho rằng tin tặc đã tấn công trang mạng của hãng thông tấn Al – Jareeza và đưa ra các thông tin sai lệch, nhưng lời giải thích này vẫn không làm giảm căng thẳng trong khối GCC.