Ấm áp tình yêu thương

GD&TĐ - Đối với những người lính Biên phòng, dịp lễ, Tết đồng nghĩa với trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người dân vui Xuân đón Tết.

Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng tổ chức Chương trình 'Mẹ đỡ đầu', hỗ trợ, chăm sóc em Nguyễn Đình. Ảnh: BP
Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng tổ chức Chương trình 'Mẹ đỡ đầu', hỗ trợ, chăm sóc em Nguyễn Đình. Ảnh: BP

Mỗi dịp Xuân về, các đơn vị bộ đội Biên phòng thường tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa dành cho những đứa “con nuôi”, để các em được đón một cái Tết ấm áp, đủ đầy.

Niềm vui trước thềm năm mới

Những ngày cuối năm 2023, vợ chồng ông Diệp Văn Hồng sống tại ấp Giồng Chùa, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) như vỡ òa trong hạnh phúc khi biết cháu ngoại của mình là Nguyễn Đình (SN 2014) được Hội Phụ nữ Biên phòng Sóc Trăng nhận đỡ đầu theo Chương trình “Mẹ đỡ đầu”.

Theo chia sẻ của ông ngoại, mẹ Đình mất vì Covid-19, thời gian sau bố em cũng lập gia đình mới. Đình và đứa em trai năm nay 2 tuổi được ông bà đón về nuôi dưỡng.

Thời gian qua, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ông bà ngoại luôn nỗ lực để Đình được đến trường học tập. Đáp lại sự chăm lo của ông bà, thành tích học tập của Đình luôn đứng tốp đầu của lớp. Biết tin Đình được nhận đỡ đầu vợ chồng ông Hồng vui mừng khôn xiết, vì biết rằng con đường đến trường của đứa cháu ngoại những năm tới đây sẽ được thuận lợi hơn.

Bà Phạm Thị Huyền, bà ngoại của Duy vui vẻ chia sẻ: “Thấy cháu được sống trong môi trường quân đội, với sự quan tâm của các chú Biên phòng nên tôi rất yên tâm. Mỗi lần cháu được chú Sĩ đưa về thăm tôi đều vui vẻ khoe, ở cùng các chú bộ đội vui lắm, không chỉ được ăn uống đầy đủ, các chú còn mua cho sách vở, đồ dùng học tập và nhiều quần áo mới nữa. Mong sao lớn lên các cháu cũng sẽ trở thành bộ đội Biên phòng”.

Thiếu tá Lê Thanh Nhanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng cho biết: Nguyễn Đình đang học lớp 5 Trường Tiểu học thị trấn Trần Đề 2, qua nắm bắt thực tế, xét thấy hoàn cảnh đặc biệt của cháu, hội đã quyết định nhận đỡ đầu theo Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch Covid-19 với mức hỗ trợ 400 nghìn đồng/tháng cho đến hết năm 2025.

Ngoài ra vào dịp lễ, Tết, Đình còn được hỗ trợ các nhu yếu phẩm. “Toàn bộ nguồn kinh phí do cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh đóng góp và vận động từ các mạnh thường quân. Mong rằng khi có sự đồng hành của các hội viên trong hội, cháu Đình sẽ nỗ lực học tập thật tốt, để thực hiện ước mơ của mình”, Thiếu tá Nhanh nói.

Tết năm nay có lẽ là cái Tết vui nhất đối với Đình, bởi khi nhận được sự giúp đỡ từ những người lính Biên phòng, con đường đến trường của em sẽ rộng mở. Ngoài ra, cũng từ đây Đình còn có những người mẹ mới quan tâm, chăm lo việc học hành của em, điều mà trước đây chưa bao giờ em nghĩ tới.

Đình cho biết: “Thực sự con rất vui vì có thêm những người mẹ Biên phòng. Con cảm ơn các mẹ Biên phòng đã hỗ trợ, nhận đỡ đầu để ông bà ngoại vơi bớt gánh nặng về chi phí học tập. Con sẽ học tập thật chăm chỉ để không phụ lòng sự giúp đỡ của các mẹ, các nhà hảo tâm, sự yêu thương của ông bà ngoại và sự quan tâm của thầy, cô giáo”.

Tiếp lời cháu ngoại, ông Hồng tâm sự: “Chương trình “Mẹ đỡ đầu” là cầu nối yêu thương, hướng tới tương lai tốt đẹp. Mong rằng trong thời gian tới, chương trình tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng. Mong sẽ có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi trên địa bàn khu vực biên giới như cháu Đình được nhận hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhà tài trợ”.

Từ khi về sống tại Đồn Biên phòng Mỹ Long, Duy luôn được những người bố nuôi kèm cặp trong học tập. Ảnh: Thạch Minh

Từ khi về sống tại Đồn Biên phòng Mỹ Long, Duy luôn được những người bố nuôi kèm cặp trong học tập. Ảnh: Thạch Minh

Sống tại ngôi nhà mới, giờ giấc sinh hoạt của Chương hệt như những người lính Biên phòng. Ảnh: MC

Sống tại ngôi nhà mới, giờ giấc sinh hoạt của Chương hệt như những người lính Biên phòng. Ảnh: MC

Những câu chuyện thấm đẫm tình người

Hơn 4 năm trước là thời điểm không thể nào quên của Nguyễn Văn Duy Chương và bà ngoại. Bố mất sớm, sau đó mẹ cũng đi lấy chồng, cậu bé lớn lên trong tình thương của bà ngoại Trần Thị Nhứt, trong căn chòi ọp ẹp.

Bà không có bất cứ tài sản nào của riêng mình, ngoại trừ đứa cháu côi cút. Hai bà cháu nương tựa vào nhau bằng những bữa cơm không đủ chất, bằng những đêm giấc ngủ chẳng tròn. Khi bà Nhứt gần 80 tuổi, Chương mới sắp sửa vào lớp 1.

Xét thấy hoàn cảnh của Chương, năm 2019, Đồn Biên phòng Lạc Quới (An Giang) đã quyết định nhận em làm con nuôi. Nhớ lại thời điểm đó bà Nhứt đã không cầm được nước mắt. Bởi hơn ai hết, người bà hiểu rõ rằng, từ thời điểm được những người lính Biên phòng chăm lo, cuộc đời đứa cháu tội nghiệp bao năm bà lầm lụi chăm sóc sẽ được mở sang trang mới.

Chương có thêm một gia đình lớn, được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường và dám vươn tới ước mơ ý nghĩa. Cũng từ thời điểm đó, Chương được đón những cái Tết đầm ấm, vui vẻ với những người lính Biên phòng, điều mà trước đây em chưa từng hình dung ra.

Năm nay, Chương đã bước sang lớp 5, Trường Tiểu học Lạc Quới, huyện Tri Tôn (An Giang). Những năm học tiểu học Chương được đón năm mới cùng những người lính Biên phòng.

Tại ngôi nhà mới của mình, Chương được tham gia chuẩn bị Tết, gói bánh chưng, xuống bếp chuẩn bị bữa cơm tất niên và cùng các mẹ nuôi trang trí những cành đào tươi sắc thắm... Ngôi nhà thứ hai này chính là điểm tựa giúp cậu bé này trưởng thành hơn, vững tâm vươn tới ước mơ trở thành một người lính cụ Hồ.

Trung úy Chau Kunm Sinl được Chương xem như người cha thứ hai, luôn chăm sóc em từ bữa cơm, giấc ngủ và quan tâm việc học tập, bộc bạch: “Mỗi khi Tết về, đơn vị đều trích quỹ mua quần áo, giày dép mới cho cháu đón Tết và cả mua quà để cháu mang về tặng bà ngoại. Riêng tôi cũng dành chút thời gian để đưa cháu đi chợ Tết để mua quần áo đẹp và những món đồ chơi”.

Tiếp lời người cha nuôi của mình, Chương cho hay: “Năm nào cũng vậy, cha Kunm Sinl đưa con về nhà bà ngoại chúc Tết, rồi lại đưa trở lại đồn để cùng đón Giao thừa.

Từ lúc vào ngôi nhà mới sống cùng với các chú Biên phòng, con chỉ cần chuyên tâm học tập, mọi thứ khác đã có các chú lo hết. Vui nhất là dịp Tết, con được tặng nhiều quần áo mới, được lì xì may mắn... Con mong lớn lên sẽ trở thành bộ đội Biên phòng, bảo vệ quê hương, đất nước và giúp đỡ các bạn hoàn cảnh khó khăn ở trong xã được đến trường như mình”.

Cũng giống Chương, trước khi được những người lính Biên phòng nhận nuôi Trần Hoàng Duy hiện học lớp 7 Trường THCS thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) có hoàn cảnh hết sức đáng thương. Bố mất từ khi còn nhỏ, không lâu sau đó, người mẹ lại đi bước nữa.

Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các đơn vị bội đội Biên phòng luôn có nhiều chương trình hoạt động chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Anh

Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các đơn vị bội đội Biên phòng luôn có nhiều chương trình hoạt động chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Anh

Vì thế, từ nhỏ, Duy và người anh trai được một tay bà ngoại chăm sóc. Biết được hoàn cảnh của cậu bé, tháng 10/2019 những người lính Biên phòng Mỹ Long (Trà Vinh) đã nhận nuôi Duy tại đơn vị. Tại ngôi nhà mới có được sự quan tâm, thương yêu, đùm bọc của những người lính Biên phòng đã giúp con đường đến trường cũng như tương lai của em ngày càng rộng mở.

Năm nay, Duy bước vào lớp 7 Trường THCS thị trấn Mỹ Long. So với những đứa trẻ cùng trang lứa trong xã, cậu bé được xem là tấm gương vượt khó. Từ khi về sống tại Đồn Biên phòng Mỹ Long, Duy đã có một gia đình thực sự đúng nghĩa.

Khi được hỏi về cuộc sống cùng với các chú Biên phòng, Duy cho biết: “Con rất vui vì được sống với các chú BĐBP. Ở đây chúng con được các chú thương yêu, chăm sóc, chỉ dạy điều hay lẽ phải. Đến nay đã là cái Tết thứ 4, con có thêm một gia đình lớn, được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường. Vui nhất là mỗi dịp Tết Nguyên đán, con được các chú bộ đội mua cho áo quần, giày dép mới và tặng các bao lì xì...”.

Thượng úy Thạch Minh Sĩ, nhân viên vận động quần chúng trực tiếp đỡ đầu, quản lý, kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc Duy chia sẻ: “Trước đây, anh trai của Duy cũng được đơn vị nhận nuôi cho đến khi học hết cấp 2. Riêng với Duy, từ khi về sống tại đơn vị cháu rất nghe lời và ngoan ngoãn. Trong học tập, Duy tiếp thu kiến thức rất nhanh.

Riêng những công việc như giặt quần áo, xếp mền mùng... cháu đã làm được hết nên anh em rất yên tâm. Những ngày nghỉ lễ hay Tết Nguyên đán đơn vị luôn chuẩn bị bánh, kẹo và đưa Duy về nhà chơi cùng bà ngoại, đến ngày đi học sẽ đến đón về để tiếp tục đến trường”.

Đối với những người lính Biên phòng, dịp lễ, Tết đồng nghĩa với trách nhiệm nặng nề, vất vả hơn khi phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đảm bảo an toàn cho người dân vui Xuân đón Tết.

Tuy vậy, từng cán bộ, chiến sĩ đều dành thời gian chuẩn bị Tết đủ đầy, ấm áp nghĩa tình bên đồng đội và những “đứa con” đỡ đầu. Chính nụ cười hồn nhiên, sự trưởng thành từng ngày của các em là sự động viên lớn lao đối với những người lính Biên phòng vùng biên để họ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, tô thắm mối tình quân dân.

Từ năm 2016, lực lượng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các em học sinh khó khăn có điều kiện thuận lợi để đến trường, như Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Hằng năm chúng tôi hỗ trợ hơn 3.000 cháu, với mức 500 nghìn đồng/tháng đến khi học hết lớp 12.

Ngoài ra, các đồn Biên phòng trực tiếp nhận nuôi gần 400 cháu tại đồn theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Đến nay, tổng kinh phí dành cho Chương trình khoảng gần 100 tỷ đồng, từ nguồn vận động cán bộ, chiến sĩ BĐBP trực tiếp ủng hộ và các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Thiếu tướng Văn Ngọc Quế (Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ