Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ
Xã hội hóa GD đã đem lại mảng màu tươi sáng hơn đối với các cơ sở GD trên toàn quốc. Ngoài sự ra đời của hệ thống trường ngoài công lập, các trường công cũng được hưởng lợi từ chủ trương trên khi cha mẹ HS cùng đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục trẻ, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học…
Nhưng bên cạnh chủ trương xã hội hóa vì học sinh, không ít nơi đã biến tướng, trở thành món mồi béo bở cho doanh nghiệp, cơ hội tận thu là một bộ phận cán bộ, quản lý trong trường học.
Tháng 5/2019, Thanh tra TP Thanh Hóa có kết luận về sai phạm liên quan ban giám hiệu Trường Mầm non Quảng Thắng (TP Thanh Hóa). Theo Kết luận số 2229/KL-UBND của Thanh tra TP Thanh Hóa: “Bà Ngô Thị Hồng Lê – Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Thắng đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp bỏ ngoài danh sách 20 - 25 cháu/tháng, để bớt các khoản thu hàng tháng, gồm: Tiền ăn, phục vụ bán trú, vệ sinh, tiền học phí. Việc bớt tiền ăn, giảm xuất ăn của các cháu như phản ánh trong đơn thư là đúng.
Các khoản tiền phục vụ bán trú, tiền ăn, vệ sinh, tiền học phí đều được nhà trường thu và theo dõi đầy đủ qua sổ sách kế toán. Việc bớt tiền ăn của các cháu được thực hiện khi báo ăn hàng ngày xuống bộ phận phụ trách dinh dưỡng...Tổng số suất ăn đã bớt trong bốn tháng (từ tháng 9 - 12) năm 2018 là 1.746 suất, với tổng số tiền là hơn 41,9 triệu đồng. Số tiền này nhà trường chi tổ chức bữa ăn sáng tạo (tiệc buffe) vào bữa ăn sáng tại lớp và các ngày tổ chức lễ hội cho các cháu 3 lần hết hơn 20,1 triệu đồng, còn lại hơn 21 triệu đồng. Nội dung bớt suất ăn của các cháu không được thông qua hội nghị nhà trường để thống nhất và ghi nhận bằng biên bản, hiệu trưởng chỉ đạo trực tiếp đối với các giáo viên chủ nhiệm.
Cũng theo kết luận của Thanh tra TP Thanh Hóa, bà Ngô Thị Hồng Lê đã thu hơn 116 triệu đồng của phụ huynh để mua đồ dùng học phẩm, nhưng không qua sổ sách, chi sai mục đích: Chi hơn 30,5 triệu đồng để trả nợ cho giáo viên, chi công thu tiền, dùng mua tài liệu tại Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa. Trong năm học 2018 - 2019, nhà trường đã thu hơn 101 triệu đồng để phục vụ các hoạt động lễ hội, nhưng không mở sổ sách theo dõi. Năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019, nhà trường thu tiền để mua đồ dùng phục vụ bán trú, nhưng không mua chăn mùa đông, tủ bảo ôn, bếp gas công nghiệp, bát ăn, thìa, chậu, nồi… như dự toán ban đầu.
Với những sai phạm nêu trên, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân đã ký các quyết định kỷ luật đối với bà Ngô Thị Hồng Lê - Hiệu trưởng nhà trường, bằng hình thức cách chức; bà Nguyễn Thị Tấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường; bà Phạm Thị Oanh - Kế toán và bà Lê Thị Hải, giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân nhà trường, đều bị khiển trách. Ngoài ra, một số giáo viên chủ nhiệm khác cũng bị phê bình rút kinh nghiệm.
UBND TP Thanh Hóa cũng yêu cầu Trường Mầm non Quảng Thắng phải hoàn trả tổng số tiền hơn 57 triệu đồng cho phụ huynh, do nhà trường thu chi không đúng mục đích và không sử dụng.
Nhiều biến tướng
Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) bị cách chức vì lạm thu. Ảnh: T.G |
Câu chuyện lạm thu xảy ra ở Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), cũng khiến ban giám hiệu nhà trường đều bị kỷ luật.
Theo nội dung đơn thư, nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm (DTHT) trong hè (2017, 2018) từ đầu tháng 7 chưa được cấp phép (kể cả học sinh (HS) lớp 10); năm học 2018 - 2019, tổ chức học 2 ca/môn/buổi; thu tiền quản lý (25%) tất cả học sinh học thêm đều thu một mức 700.000 đồng/HS/năm; các lớp tự thu, tự chi cho giáo viên 600.000 đồng/buổi. Tổ chức thu, lập Quỹ thi đua khen thưởng trái phép; nếu lớp nào thu ít thì hiệu trưởng nhắc nhở giáo viên trước cuộc họp và thông báo trên bảng tin.
Năm học 2016 - 2017, Hiệu trưởng nhà trường không giảng dạy, các năm học dạy không đủ số tiết theo quy định nhưng vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi 70%. Năm học 2018 - 2019, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn tiếp nhận 4 hồ sơ xét tuyển không hợp lệ, trong đó có 3 hồ sơ của giáo viên Trường THPT Quảng Xương I. Ban giám hiệu nhà trường cho thuê, kinh doanh một số phòng nhà đa năng và thu, chi không đúng quy định; phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ Sao Mai tổ chức dạy Tiếng Anh cho học sinh và thu tiền không đúng quy định.
Nhà xe của trường xây được xây dựng từ kinh phí ngân sách Nhà nước, mỗi lớp 1 phòng và có khóa riêng, mức thu không đúng quy định; số lượng người bảo vệ quá nhiều... Dự án của tỉnh trồng cây cau vua, thay thế bằng cây khác, không biết kinh phí lấy ở đâu. Trường có chủ trương kêu gọi phụ huynh có con trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế ủng hộ kinh phí, có phụ huynh ủng hộ trực tiếp cho đội tuyển...
Sau khi vào cuộc kiểm tra, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: Những nội dung phản ánh về Trường THPT chuyên Lam Sơn là đúng, có cơ sở. Do đó, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã báo cáo lên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Thanh Hóa, Thanh tra Bộ GD&ĐT... về những sai phạm của Trường THPT chuyên Lam Sơn. Đồng thời, kiến nghị và đề xuất biện pháp xử lý đối với nhà trường.
Tại Quảng Ninh, đầu năm học 2018, “Ban Đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS Vạn Ninh, TP Móng Cái, phản ứng trước việc mỗi học sinh phải đóng 11 khoản với số tiền 3.055.420 đồng/năm học. Đó là học phí; BHYT; nước uống; giấy thi, đề thi; tin học; vệ sinh; xã hội hóa; quỹ đội; gửi xe đạp; quỹ phụ huynh trường và quỹ phụ huynh lớp; bồi dưỡng học sinh giỏi; quỹ lớp. Vụ việc này sau đó được Phòng GD&ĐT TP Móng Cái xác minh 8/11 khoản đều thu sai so với quy định.
Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Ninh Nguyễn Viết Hoàng cũng thừa nhận về những buông lỏng, thiếu sót trong công tác quản lý cũng như nhận thức chưa đúng về các quy định cho từng khoản thu đầu năm học đã dẫn đến việc thu sai một số khoản thu. Ban giám hiệu đã khắc phục bằng cách trả lại phụ huynh số tiền vượt thu, tiền thu sai.
Cho dù năm học mới chưa bắt đầu nhưng HS tiểu học một trường ngoài công lập thuộc huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã nhận được thông báo của nhà trường danh mục học liệu. Theo đó, kẹp giấy, bọc bóng kính, file lá… đều được chỉ đích danh nhà sản xuất. Với vở ô li, HS bắt buộc mua của nhà trường, cho dù ruột của công ty văn phòng phẩm, nhà trường đặt in logo lên bìa với giá thành đắt hơn thị trường 500 - 1.000 đồng/quyển.
Không chỉ đồng phục vở và học liệu, nhiều lớp học, GV chủ nhiệm còn yêu cầu phụ huynh mua mực tím của nhãn hiệu cụ thể. Chị Đỗ Thị Giáng Hương (Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên) chia sẻ: Dù gia đình đã mua học liệu cho con nhưng khi có hướng dẫn đành mua lại. “Việc đồng phục từ vở viết đến màu mực trẻ viết chẳng biết hay dở thế nào nhưng với tôi nhiều khi gây phiền hà, thiếu sự linh động, đặc biệt là triệt tiêu sự sáng tạo của con trẻ”, chị Hương bày tỏ quan điểm.
Chưa được xử lý dứt điểm
Mặc dù năm nào Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các tỉnh đều ban hành công văn hướng dẫn triển khai, thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách tại các nhà trường, đồng thời nghiêm cấm tình trạng lạm thu. Thế nhưng, tình trạng này vẫn cứ xảy ra ở nhiều nhà trường, cơ sở giáo dục mà vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Nhiều phụ huynh vẫn cho rằng: Tình trạng lạm thu ở các nhà trường ngày càng biến tướng. Có nhiều trường Ban giám hiệu giao “chỉ tiêu” cho giáo viên chủ nhiệm? Ngoài ra, nhiều khoản trá hình dưới dạng “câu lạc bộ”, hội cha mẹ học sinh...và đặc biệt là khi nhà trường họp phụ huynh để thống nhất các khoản đóng góp, thì không thông báo rõ ràng, mạch lạc; không có giấy tờ, danh sách chi tiết từng khoản thu...