Ai "cứu" nhà đầu tư giáo dục?

Ai "cứu" nhà đầu tư giáo dục?
Trong thời đoạn mà "đại gia" bất động sản "chết như rạ", đến "nhà băng" còn bị xóa tên, tất nhiên những người bỏ tiền xây trường học cũng không khỏi bị ảnh hưởng. Nhưng khắp nơi hô hào cứu này, cứu kia, tuyệt chưa nghe thấy ai nói cứu các nhà đầu tư vào giáo dục.
Nhiều trường quốc tế được đầu tư rất kỳ công nhưng vẫn khó tuyển sinh
Nhiều trường quốc tế được đầu tư rất kỳ công nhưng vẫn khó tuyển sinh
Anh nhân viên bảo vệ lễ phép giơ tay ngang trán chào khách, tác phong như nhà binh. Qua khoảng sân rộng với đài phun nước, là một sảnh lớn rộng mênh mông với những hàng cột trang nhã, nhiều người thoạt tưởng đang bước vào một khách sạn hạng sang.
Là người có gu thẩm mỹ, chị Trịnh Thị Thu Hà mê ngôi trường này ngay lần đầu được một người bạn dẫn đến giới thiệu. Hôm nay là lần thứ 3 chị trở lại bàn “reception” để hỏi thêm về chương trình “discount” dành cho bé vào lớp 1 mà cô nhân viên đã hứa.
Có hộ khẩu trên địa bàn, con chị được giảm 5% học phí, nhưng con số 3,7 triệu đồng/tháng, dù qua khảo sát đã biết là khá mềm so với các trường quốc tế khác, song trong bối cảnh hiện nay cũng khiến chị phải cân lên đặt xuống. Giá mà cách đây 2 năm thì chị đã quyết cái roẹt.
Tình hình kinh tế khó khăn, qua nhiều vòng tác động cuối cùng con đô-mi-nô cũng đã đổ lên trường học. Nhiều trường quốc tế vắng hẳn học sinh. Nhiều bậc phụ huynh thiếu một kế hoạch tài chính dài hạn thậm chí đã phải xoay xở cho con chuyển về trường công. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất đang "chết" vì đầu ra thì các trường lại "chết" vì đầu vào.
Khách hàng tiềm năng mà các trường vẫn hướng đến là những gia đình trung lưu trẻ tuổi. Nhưng trong cơn suy thoái kinh tế này, chính giới trung lưu thành thị là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một số ngành  trước đây cho thu nhập cao, như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, nay thì cắt giảm triệt để, có nơi lương còn không bằng giúp việc. Vì vậy việc đóng học cho con 5-10 triệu đồng/tháng là cả một vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Hồng Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường quốc tế Global (Yên Hòa, Cầu Giấy) - cho hay: Tình hình tuyển sinh năm nay khá căng thẳng. Với những phụ huynh như chị Hà, bà thực sự day dứt. Chính sách học phí đã được nhà trường bàn đến nát nước, để tìm một sự cân bằng tối thiểu giữa khả năng chi trả của người dân và mục tiêu chất lượng mà trường đeo đuổi.
“Không thể xuống thang chất lượng vì đó là giá trị cơ bản của nhà trường và phụ huynh cũng không cho phép mình làm điều đó, cho nên đành phải chấp nhận khó khăn” - bà Liên nói.
Từ câu chuyện của nhà đầu tư giáo dục, lại liên tưởng đến câu chuyện đang rầm rộ về chia nhỏ căn hộ. Giá những tiêu chuẩn giáo dục cũng có thể chia nhỏ. Trong thời đoạn mà đại gia bất động sản chết như rạ, đến nhà băng còn bị xóa tên, tất nhiên những người bỏ tiền xây trường học cũng không khỏi bị ảnh hưởng. Nhưng khắp nơi hô hào cứu này, cứu kia, tuyệt chưa nghe thấy ai nói cứu các nhà đầu tư vào giáo dục.
Trong khi các trường công đang quá tải và hệ thống giáo dục công lập ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề, những môi trường đào tạo chất lượng cao ngoài công lập lẽ ra phải được đối đãi như khách quý. Không chỉ là một sự chia sẻ với Nhà nước, những ngôi trường như vậy còn góp phần tìm tòi ra những mô hình đào tạo tối ưu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai.
Tác động trở lại của nó đối với nền kinh tế xã hội, dù khó nhìn thấy hơn, nhưng chắc chắn cũng không thua kém ngành bất động sản. Kinh tế suy thoái, đầu tư xã hội cho giáo dục cũng sẽ suy giảm theo. Bên cạnh kích cầu tiêu dùng vì vậy cũng cần có chính sách kích cầu giáo dục.  
Với số vốn hàng trăm tỷ đã đổ vào Global, nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận, khi đó bà Liên và nhóm cổ đông đã có thể mua lại toàn bộ cổ phần của một chủ đầu tư khu đô thị và trở thành đại gia nhà đất. Bỏ tiền tấn vào làm giáo dục, nhiều người nói bà điên, đổi tiền chẵn ra tiền lẻ. Nhưng chữ “đầu tư” đối với những người làm giáo dục, không phải là những phi vụ chụp giật, mà là họ đã sẵn sàng cho cả một chu kỳ dài, và lợi nhuận, không chỉ là tiền bạc. Thật ra thì đối với những người tâm huyết với giáo dục, họ cũng không đòi hỏi phải cứu, điều cần là một thái độ trân trọng.
Theo Đức Huy
(Pháp luật Việt Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.