Ai điều khiển Abrams thực chiến?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quân đội Ukraine vừa lần đầu tiên công bố video ghi lại hình ảnh xe tăng M1 Abrams tấn công lực lượng Nga.

Hình ảnh Abrams thực chiến gần Avdeevka.
Hình ảnh Abrams thực chiến gần Avdeevka.

Tờ Business Insider cho biết, Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 47 Ukraine ngày 23/2 đăng video xe tăng M1 Abrams di chuyển trên khu vực có nhiều tuyết gần đô thị Avdeevka ở tỉnh Donetsk.

Hình ảnh nửa sau của video cho thấy chiếc xe tăng liên tục khai hỏa về phía lực lượng Nga, tạo ra các vụ nổ lớn có thể quan sát từ trên cao bởi máy bay không người lái (UAV).

Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, đây là video thực chiến đầu tiên của xe tăng Abrams tại nước này. "Cảm ơn các đối tác của Mỹ về khí tài này nói riêng và sự hỗ trợ của họ cho Ukraine nói chung", Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết.

Đánh giá về màn thực chiến của Abrams tại Ukraine, chuyên gia quân sự Nga, Đại tá Viktor Litovkin cho rằng, rất có thể những chiếc xe tăng này đang được điều khiển bởi lính đánh thuê phương Tây.

"Rất có khả năng những chiếc xe tăng này được vận hành bởi lính đánh thuê phương Tây. Không nhất thiết phải từ Mỹ, mà từ bất kỳ quốc gia nào khác nơi những chiếc xe tăng Abrams được sử dụng, chẳng hạn như từ Ba Lan", chuyên gia Litovkin nói.

Hơn nữa, tiền lệ đã tồn tại. Các lực lượng Nga trước đó báo cáo rằng họ đã phá hủy một xe tăng Leopard do Đức cung cấp ở Zaporozhye do một đội hoàn toàn nói tiếng Đức điều khiển. Người lính tăng này nhấn mạnh rằng anh ta không phải là lính đánh thuê mà là một quân nhân Đức.

Tính đến nay, Mỹ đã chuyển giao tổng cộng 31 xe tăng M1A1 Abrams cho Ukraine, đủ trang bị cho một tiểu đoàn thiết giáp. Nhưng trong nhiều tháng trước đó, mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực này đã không tham gia bất cứ trận đánh nào, hình ảnh của chúng cũng rất hiếm hoi trên chiến trường Ukraine.

Giới quân sự gia phương Tây nhận định Ukraine đang phải tính toán phương án tốt nhất để sử dụng số xe tăng phương Tây này, nhất là trong bối cảnh thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV) xuất hiện dày đặc ở tiền tuyến.

Chúng có giá thành rẻ nhưng có thể phá hủy khí tài hạng nặng như xe tăng, thiết giáp bằng các đòn đánh vào vị trí hiểm yếu trên xe.

Xe tăng M1 Abrams được Mỹ phát triển năm 1972-1975, sở hữu pháo 120 mm, súng máy đồng trục 7,62 mm và súng 12,7 mm. Xe có thể đạt vận tốc tối đa 67 km/h, với kíp lái 4 người, gồm trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn và lái xe.

Abrams được đánh giá là một trong những loại xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, phiên bản M1A1 viện trợ cho Ukraine không được trang bị những loại giáp hiện đại như bản của quân đội Mỹ, khiến chúng có nguy cơ tổn thương cao hơn trước nhiều loại tên lửa chống tăng phổ thông.

Dòng xe tăng này cũng có nhược điểm là tiêu thụ lượng nhiên liệu rất lớn và đòi hỏi quy trình bảo dưỡng phức tạp, như cần được vệ sinh bộ lọc gió hàng ngày để tránh hỏng động cơ. Đây là điều các binh sĩ Ukraine khó có thể thực hiện trong điều kiện chiến trường hiện nay.

Hôm 17/2, quân đội Ukraine tuyên bố rút khỏi Avdeevka để "bảo toàn mạng sống" cho các binh sĩ. Lực lượng Nga sau đó tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành trì chiến lược ở Donetsk mà họ đã dồn lực tấn công từ tháng 10/2023.

Đây là thắng lợi lớn nhất mà quân đội Nga giành được kể từ khi kiểm soát thành phố Bakhmut hồi tháng 5/2023.

"Với sự hợp tác từ không quân và pháo binh, chúng tôi đã đánh bại binh sĩ và thiết bị của lực lượng vũ trang Ukraine ở Avdeevka và 6 khu định cư gần đó", Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Clip xe tăng Abrams lần đầu thực chiến tại Ukraine được công bố hôm 23/2.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ

Đội tiếp sức 4x400m nữ điền kinh Việt Nam hứa hẹn sẽ bùng nổ ở vòng loại Olympic Paris 2024. Ảnh: ITN

'Ăn đong' đến bao giờ?

GD&TĐ - Thể thao Việt Nam đã có 10 suất tham dự Olympic Paris 2024. Con số này chạm ngưỡng chỉ tiêu 12 - 15 suất đến Pháp năm nay.