Ai còn nhớ cối xay lúa?

GD&TĐ - Với thế hệ 7X và đầu 8X ở vùng quê không ai là không biết cối xay lúa. Ngày ấy, hầu như nhà nào cũng có một chiếc cối xay lúa ở trong nhà để tiện xay xát.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Cối xay lúa, đúng như tên gọi của nó, đó là vật dụng để bóc tách hạt lúa, tách trấu ra khỏi hạt gạo.

Vật liệu để làm cối xay lúa bao gồm có tre, gỗ, đất sét và vỏ trấu. Tre thì được chẻ nhỏ thành các nan để đan thân cối. Gỗ được cưa thành các khúc ngắn theo thớ dọc của gỗ, sao cho không bị dằm và được phơi khô để không nẻ nứt. Còn phần mặt cối, hai rãnh sẽ được làm từ đất sét trộn với trấu.

Cối xay lúa được đặt trên một cái giá có bốn cái chân vững chãi. Chân có thể làm bằng gỗ, hoặc đúc sẵn xi măng. Ngoài thân cối sẽ có thêm một chiếc tay cầm làm bằng đoạn tre hoặc gỗ, dài chừng một mét, được đẽo thành hình chữ T.

Phần cuối của tay cầm có mấu xỏ vào tai cối ở phía trên. Còn phần còn lại được buộc dây treo lên cao để giữ vị trí ổn định của cối.

Ngày trước để làm được một chiếc cối rất công phu, và không phải ai cũng có thể làm được. Trong làng tôi hồi đó chỉ có một vài người lão làng làm được cối. Mọi người thường phong cho các cụ là “nghệ nhân làm cối”.

Vậy nên công việc của họ làm cối quanh năm, hết nhà này đến nhà khác. Và tiền công cũng chẳng đáng là bao, chủ yếu giúp đỡ mọi người là chính.

Đến mùa gặt, lúa phơi khô xong người dân bắt đầu đổ vào cối để xay. Khi xay lúa, người ta đổ lúa vào cối một lượng lúa vừa phải, để sao cho khi xay, lúa không bị văng ra ngoài.

Người xay lúa cần phải có một lực mạnh nhất định để lúa mới được quay đều, không bị nát. Chính vì thế, công việc xay lúa thường được các ông bố, con trai lực lưỡng trong nhà đảm nhiệm. Song song với mỗi vòng quay đều đặn, nhịp nhàng ấy lại phát ra những tiếng kêu cút kít rất vui tai.

Hồi đó, mấy anh em tôi mỗi lần thấy bố xay lúa lại chạy lon ton ra xem. Chủ yếu vì thích nghe tiếng cút kít đó. Sau này, mỗi lần nhắc nhớ chị gái tôi còn ví tiếng cút kít ấy giống như một bản nhạc. Thật thú vị biết bao nhiêu.

Từ hạt lúa đang còn nguyên, dần dần bị tróc vỏ rơi xuống vành cối hình phễu, chạy theo rãnh rồi rớt xuống cái nia đặt sẵn dưới chân cối. Tiếp đến là công đoạn dành cho những người phụ nữ.

Công đoạn rê sàng để phân loại gạo và vỏ trấu. Gạo được đựng vào hũ sành hoặc bao tải. Còn trấu thì chất ở chái bếp dùng để đun nấu hàng ngày.

Mỗi lần nhớ về cối xay lúa tôi lại nhớ câu thành ngữ bà tôi nhắc liên quan đến chiếc cối: “Gà què ăn quẩn cối xay”. Bà giải thích rằng, câu thành ngữ hàm chỉ chê những người hèn kém, không dám vươn xa để học hỏi, không dám vượt mình, dấn thân, lập nghiệp chỉ ru rú ở góc nhà, xó bếp.

Và bà mong mấy chị em tôi hãy dũng cảm, vượt lên, thoát khỏi vùng quê, ruộng đồng. Trải qua bao nhiêu năm thăng trầm, nhờ sự học hỏi, chị em tôi đã có những thành công nhất định. Một phần cũng nhờ câu thành ngữ năm xưa bà dạy dỗ.

Bây giờ, dĩ nhiên cối xay lúa chẳng còn ai có nữa rồi. Công nghệ hiện đại đổi mới đã tạo ra máy xay lúa tiện lợi và nhanh chóng. Đó cũng là điều tất yếu phát triển của cuộc sống.

Tuy nhiên, dù thời thế thay đổi, cái cối xay lúa chẳng ai dùng thì có một điều mà không thể chối cãi, cối xay lúa đã trở thành một phần không thể thiếu của ký ức ngày xưa. Cối xay lúa không chỉ là vật dụng xay lúa bình thường nữa, mà đó còn là ký ức một thời gian khổ, mùi năm tháng ngọt ngào của đại đa số người con vùng quê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.