(GD&TĐ) - Dù là người thắng cử trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Ai Cập, nhưng chỉ sau 1 năm, Tổng thống Mohamed Morsy đã bị phế truất. Vụ việc diễn ra hồi tháng 7 khiến Ai Cập lại lâm vào những xung đột máu lửa. Chỉ trong vòng 1 tuần, 700 người đã thiệt mạng trong các vụ xung đột ở đất nước Kim tự tháp.
Tướng Abdel Fattah al-Sisi – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ai Cập kêu gọi: “Ai Cập có đủ chỗ cho tất cả mọi người, chúng tôi đang nỗ lực tránh đổ máu”. Tuy nhiên, ông Sisi cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ đất nước và người dân Ai Cập”.
* Tù nhân Hồi giáo ở Ai Cập vượt ngục bạo lực khiến 36 người chết.
* Chỉ huy quân đội Ai Cập kêu gọi những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsy ngừng chống lại chính phủ mới.
Máu đổ tiếp đổ máu
Sau lễ cầu nguyện ngày thứ Bảy vừa qua, những cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự lâm thời diễn ra ở khắp nơi. Có ít nhất 36 tù nhân là thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo – một phong trào Hồi giáo nhằm đưa Morsy trở lại nắm quyền – đã bị giết sau nỗ lực vượt ngục bạo loạn. Những người này nằm trong số hơn 600 tù nhân đang được di lý từ một nhà tù ở Cairo. Tù nhân nổi dậy đã bắt trói nhân viên an ninh kiểm tra xe chở tù. Để cứu đồng đội, các nhân viên an ninh sử dụng súng phun khí gas gây chảy nước mắt, khiến 36 tù nhân thiệt mạng.
Theo đảng Tự do và Công lý – cánh tay chính trị của nhóm Huynh đệ Hồi giáo, số tù nhân thiệt mạng lên tới 52 người. Đảng này yêu cầu tiến hành các điều tra quốc tế và tuyên bố Bộ trưởng Nội vụ Ibrahim Kamel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những cái chết này.
Thứ 7 vừa qua, các lực lượng an ninh Ai Cập đã bắt giữ hơn 350 người tại một ngôi đền được cho là nơi ẩn náu của những người ủng hộ Morsy. Một số vũ khí cũng được thu giữ tại nơi này. Trong số những người bị bắt có Mohamed al-Zawahiri, anh em của lãnh đạo al Qaeda Ayman al-Zawahiri. Mohamed al-Zawahiri và một lãnh đạo Hồi giáo khác là Mustafa Hamza đều bị giữ để tiếp tục điều tra vì đã tham gia tổ chức Hồi giáo Jamaa Islamiya với mục đích phá hoại hòa bình xã hội và sự thống nhất dân tộc ở Ai Cập.
Trong khi đó, những người ủng hộ Morsy cho rằng chính quyền lâm thời, với sự hậu thuẫn của quân đội, chính là chủ mưu gây ra bạo lực khiến hơn 700 người thiệt mạng chỉ trong một tuần qua, mở đầu với cuộc tấn công vào trại biểu tình của những người ủng hộ Morsy khiến 500 người thiệt mạng. Ngoài ra còn có 70 cảnh sát thiệt mạng, hơn 600 cảnh sát, quân nhân và các thành viên lực lương an ninh khác bị thương.
Người dân Ai Cập biểu tình ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsy |
Tranh cãi có mang lại hòa bình?
Lo ngại những tay súng bắn tỉa, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã hủy một cuộc tuần hành đã được lên kế hoạch sẽ diễn ra tại quảng trường Roxy ở Heliopolis, ngoại ô Cairo. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng cuộc tuần hành này vẫn sẽ diễn ra tại khắp nơi, từ Alexandria, bờ biển Địa Trung Hải đến Giza. Ở Qena, phía nam Ai Cập, những người biểu tình hát vang: “Chúng ta là những chiến binh”. Ở Atfith, phía nam Cairo, những người biểu tình gọi al-Sisi là “tên đồ tể” và đòi đưa nhân vật này ra tòa.
Sau gần 1 năm tại vị với tư cách là nhà lãnh đạo đầu tiên được bầu cử, tổng thống Mohamed Morsy đã bị lật đổ hồi tháng 7, khiến phong trào phản kháng của phe Huynh đệ Hồi giáo và những người ủng hộ ông ta bùng lên mạnh mẽ.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, al-Sisi hối thúc những người ủng hộ Morsy “hãy nhìn nhận lại vị trí của mình trong nước và hãy tin rằng tính hợp pháp thuộc về nhân dân”. Ông ta cũng nhấn mạnh rằng “người Ai Cập hoàn toàn tự do để lựa chọn người lãnh đạo, trong khi các lực lượng vũ trang sẽ chỉ là người bảo vệ cho ước nguyện và sự lựa chọn của người dân”.
Chính phủ lâm thời Ai Cập tuyên bố cấm các “ủy ban quần chúng” – nhóm những người quan sát nhưng lại tham gia các xung đột bạo lực với người biểu tình những ngày gần đây. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ai Cập cho rằng, một số ủy ban đã lợi dụng vị trí của mình để thực hiện các “hoạt động tội ác”.
Trong khi đó, người phát ngôn của tổ chức Anh em Hồi giáo Mahmoud Ghazlan cho rằng lời phát biểu của ông al-Sisi “chỉ là một bằng chứng yếu ớt về sự kết thúc sớm của cuộc bạo loạn”. Theo ông Ghazlan, al-Sisi và các nhà lãnh đạo chính phủ lâm thời “đang cố gắng vẽ thêm cho tươi đẹp bộ mặt xấu xí của cuộc bạo loạn đẫm máu này”.
Với tình trạng bất ổn đang diễn ra ngày một căng thẳng ở Ai Cập, các nhà lập pháp Mỹ đang đề nghị chính phủ ông Obama cắt viện trợ cho Ai Cập – khoản viện trợ lên tới 1 tỷ dollar hàng năm, bởi luật pháp Mỹ chỉ ủng hộ những chính quyền được thành lập hợp pháp. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ không đưa ra lời xác nhận việc lật đổ ông Morsy có phải là một cuộc đảo chính hay không. Một số nước khác đang bắt đầu ủng hộ chính phủ mới ở Ai Cập. Ảrập Xêút đảm bảo sẽ cung cấp 5 tỷ dollar tài trợ và cho vay, trong khi tiểu vương quốc Ảrập tuyên bố sẽ cung cấp cho Ai Cập 1 tỷ dollar, đồng thời tiếp tục cho vay 3 tỷ phi lợi nhuận nữa. |
Nguyên Sa