Ả Rập Saudi phản ứng tổng thống Nga

Bức thư Tổng thống nga Vladimir Putin gửi đến Hội nghị thượng đỉnh các nước Ả Rập hôm 29/3 gặp phải phản ứng mạnh của Ả Rập Saudi.

Tổng thống nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Tổng thống nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo Ả Rập đã nhóm họp tại Ai Cập để thảo luận về một loạt các cuộc khủng hoảng ở khu vực Trung Đông, bao gồm cuộc xung đột tại Syria, Yemen và Libya.

Trong bức thư gửi tới Hội nghị thượng đỉnh các nước Ả Rập hôm 29-3, Tổng thống Putin viết: “Chúng tôi ủng hộ nguyện vọng của người Ả Rập về một tương lai thịnh vượng và giải pháp cho tất cả các vấn đề mà thế giới Ả Rập đang phải đối mặt, thông qua biện pháp hòa bình và không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài”.

Thiện chí của nhà lãnh đạo Nga lập tức bị Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Saud al-Faisal, phản đối. Ngay sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho phép đọc bức thư tại hội nghị, Hoàng tử Faisal mỉa mai: “Ông ấy (Putin) nói tới những vấn đề Trung Đông như thế là Nga chẳng có liên quan gì".

Quan hệ giữa Riyadh và Moscow gặp trắc trở do Nga ủng hộ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhân vật Ả Rập Saudi vốn không ưa.

Hoàng tử Saud lên án cuộc nội chiến tại Syria khiến hơn 220.000 người thiệt mạng từ năm 2011: “Họ nói về những bi kịch ở Syria trong khi chính họ góp phần vào bi kịch ấy bằng cách trang bị vũ khí quá mức cần thiết để chính quyền Syria chống lại người dân mình. Tôi hy vọng Tổng thống Nga sẽ điều chỉnh để quan hệ giữa thế giới Ả Rập và Nga tốt đẹp hơn”.

Những chỉ trích này có thể khiến nước chủ nhà Ai Cập khó xử. Cairo phụ thuộc vào hàng tỉ USD viện trợ của Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh nhưng lại đang phát triển quan hệ với Nga.

Bất chấp những lời chỉ trích của quốc tế về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Putin vẫn theo đuổi chính sách tại Trung Đông nhưng chúng tỏ ra khá phức tạp. Moscow là một trong những đồng minh chủ chốt của Iran nhưng lại đang mở rộng quan hệ với các quốc gia Ả Rập không kích phiến quân Houthi tại Yemen – do Tehran hậu thuẫn.

Nỗ lực kêu gọi một giải pháp hòa bình ở Yemen của Nga không mang lại tác dụng mong đợi. Hôm 29-3, Liên đoàn Ả Rập đồng ý thành lập lực lượng quân sự chung gồm khoảng 40.000 quân tinh nhuệ để giải quyết “thách thức” của Trung Đông trong tương lai.

Tại Yemen, phiến quân Houthi đã chiếm thêm được nhiều địa điểm ở miền Nam đất nước - bao gồm một phần tỉnh Abyan, quê hương của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi và tỉnh Shabwa - dù hứng chịu các cuộc không kích do liên quân Ả Rập tiến hành. 

Theo các nguồn tin bộ lạc, ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ diễn ra trong ngày 29-3 giữa lực lượng phiến quân và các bộ lạc gần Usaylan, một khu vực nhiều dầu mỏ thuộc tỉnh Shabwa.

Ngoài ra, Nga công khai phản đối Mỹ ủng hộ Israel về cuộc khủng hoảng Gaza, đồng thời tuyên bố sẽ đấu tranh cho một nhà nước Palestine độc ​​lập. Nằm trong bộ tứ quyền lực Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Liên Hiệp Quốc và Nga, Moscow đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông, đặc biệt là về hậu quả của cuộc khủng hoảng Gaza hồi năm ngoái.

P.Nghĩa (Theo Reuters, Times of India)

Theo nld

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ