Bệnh có triệu chứng khá mờ nhạt, vậy làm cách nào để phát hiện sớm trước khi nó gây ra các biến chứng nguy hiểm, dưới đây là một số yếu tố nguy cơ gây nên tăng huyết áp đã được y học chứng minh và các biện pháp phòng tránh đã cho thấy hiệu quả rất tốt.
Tiểu đường: Ở người bị tiểu đường, tỷ lệ bệnh nhân bị tăng huyết áp cao gấp đôi so với người không bị tiểu đường. Khi có cả tăng huyết áp và tiểu đường sẽ làm tăng gấp đôi biến chứng mạch máu lớn và nhỏ, làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong so với bệnh nhân tăng huyết áp đơn thuần.
Vì vậy, nếu bị bệnh tiểu đường cần điều trị tốt bệnh này sẽ góp phần khống chế được bệnh tăng huyết áp kèm theo.
Rối loạn lipid máu: Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Chúng thường được gọi là các thành phần mỡ của máu hay chính xác hơn là lipid máu.
Nồng độ cholesterol máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch và dần dần làm hẹp lòng các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và cũng chính là yếu tố gây tăng huyết áp.
Vì vậy cần ăn chế độ giảm lipid máu sẽ giúp phòng bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng. Chú ý trong khẩu phần ăn hàng ngày không nên ăn: mỡ, mực và phủ tạng động vật. Nên ăn nhiều rau và hoa quả tươi. Chú ý ăn cá tươi (ít nhất 2 lần/tuần) vì có nhiều tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch.
Tiểu sử gia đình có người bị tăng huyết áp: Theo các thống kê cho thấy bệnh tăng huyết áp có thể có yếu tố di truyền. Trong gia đình nếu ông, bà, cha, mẹ bị bệnh tăng huyết áp thì con cái có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn.
Vì vậy, những người mà tiền sử gia đình có người thân bị tăng huyết áp càng cần phải cố gắng loại bỏ các yếu tố nguy cơ thì mới có thể phòng tránh được bệnh tăng huyết áp.
Tuổi cao: Tuổi càng cao thì tỷ lệ tăng huyết áp càng nhiều, do thành động mạch bị lão hóa và xơ vữa làm giảm tính đàn hồi và trở nên cứng hơn vì thế làm cho huyết áp tâm thu tăng cao hơn còn gọi là tăng huyết áp tâm thu đơn thuần.
Để phòng bệnh tăng huyết áp thì mỗi người cần có một lối sống lành mạnh: Làm việc khoa học; nghỉ ngơi hợp lý; ăn uống điều độ, hạn chế dùng nhiều chất béo, hạn chế dùng nhiều chất kích thích như rượu - bia - cà phê- thuốc lá; tập thể dục thường xuyên... có như vậy mới làm chậm quá trình lão hóa và gián tiếp phòng bệnh tăng huyết áp.
Thừa cân, béo phì: Cân nặng có quan hệ khá tương đồng với bệnh tăng huyết áp, người béo phì hay người tăng cân theo tuổi cũng làm tăng nhanh huyết áp vì vậy chế độ làm việc, ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục thể tăng huyết ápo thường xuyên sẽ tránh dư thừa trọng lượng cơ thể, đồng thời cũng cũng là biện pháp rất quan trọng để giảm nguy cơ gây tăng huyết áp, nhất là ở những người cao tuổi.
Ăn mặn: Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều muối (natri chlorua) thì tần suất mắc bệnh tăng huyết áp tăng cao rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhiều so với những người ở đồng bằng và miền núi.
Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể điều trị được bệnh. Chế độ ăn giảm muối là một biện pháp quan trọng để điều trị cũng như phòng bệnh tăng huyết áp.
Uống nhiều bia, rượu: Uống rượu, bia quá mức cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng. Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp thì uống rượu, bia quá mức hoặc nghiện rượu sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ áp như vậy làm cho bệnh càng nặng hơn.
Ngoài ra, uống rượu, bia quá mức còn gây bệnh xơ gan và các tổn thương thần kinh nặng nề khác từ đó gián tiếp gây tăng huyết áp.Vì vậy, không nên uống quá nhiều rượu, bia để phòng bệnh tăng huyết áp. Hàng ngày, mỗi người có thể uống khoảng 30ml rượu mạnh hoặc 50ml rượu vang hoặc 300ml bia. Nếu uống nhiều hơn sẽ là yếu tố nguy cơ mắc nhiều bệnh nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng.
Ít vận động thể lực (lối sống tĩnh tại): Lối sống tĩnh tại cũng được coi là một nguy cơ của bệnh tăng huyết áp. Việc vận động hàng ngày đều đặn từ 30 đến 45 phút mang lại lợi ích rõ rệt trong giảm nguy cơ bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng.
Có nhiều stress (căng thẳng, lo âu quá mức): Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng căng thẳng thần kinh, stress làm tăng nhịp tim.Dưới tác dụng của các chất trung gian hóa học là Adrenalin, noradrenalin làm động mạch bị co thắt dẫn đến tăng huyết áp.
Vì vậy, mỗi người cần rèn luyện cho mình tính tự lập, kiên nhẫn và luôn biết làm chủ bản thân trước mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Có như vậy mới có thể hạn chế tối đa mọi stress đồng thời cũng chính là phòng bệnh tăng huyết áp.