Căn nhà cấp bốn của bà Linh (53 tuổi) và chồng cũ là ông Tính (58 tuổi) ở phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM ẩm thấp, cứ mưa to hay triều cường là nước lênh láng, dù đã bốn lần nâng nền. Sau thời gian dài thấm nước, tường và các cánh cửa đã xuống cấp.
"Tôi nói đập đi xây nhà mới hay chuyển nơi khác ở nhưng ông ấy không chịu, cứ thế mà vợ chồng mâu thuẫn, tôi giận đòi chia tay", bà Linh kể.
Người chồng giải thích vợ ở nhà nội trợ, ông đi làm công nhân, lương ba cọc ba đồng mà phải lo hai con ăn học nên không có tiền tích lũy xây nhà. Lô đất này của bố mẹ ông để lại, chưa được tách thửa, vì thế không thể bán.
Bà Linh cho biết, nhiều lần muốn gọi hỏi thăm chồng nhưng không dám vì ngại. Ảnh: P.T.
9 lần đầu đưa đơn ly hôn, lần nào bà Linh cũng kèm điều kiện ông phải "trả tiền công làm vợ". Bà cho rằng mình lấy chồng, sinh con, dọn dẹp nhà cửa, hy sinh tuổi xuân cho chồng con, phục vụ ham muốn của chồng nhưng chẳng tích lũy được gì, tài sản cũng không, vì thế ông phải trả cho bà mỗi tháng 2 triệu. Tổng cộng gần 30 năm chung sống, bà đòi ông phải trả gần một tỷ đồng.
Những lần đó, ông Tính lảng tránh, vờ như không có chuyện gì xảy ra, chờ bà nguôi giận là đi rút đơn về. Đến lần thứ mười thì ông không thể chịu được nữa.
"Cứ thấy tôi về nhà là bà ấy nói. Tôi đóng cửa, bật tivi to cũng không thoát được. Hai đứa con cũng mệt mỏi. Một đứa dọn ra ngoài sống. Đứa thì đi bộ đội. Là đàn ông, tôi cũng muốn xây căn nhà tử tế cho vợ con ở, nhưng tiền đâu ra", ông Tính chia sẻ. Vậy là ông cùng vợ ra tòa làm thủ tục thuận tình ly hôn.
Tiếp nhận vụ việc này, vị thẩm phán của TAND quận Bình thạnh (TP HCM) cho biết: "Mâu thuẫn của bà ấy với chồng không trầm trọng, việc đòi tiền công làm vợ không có trong quy định pháp luật, lại vô lý. Chúng tôi cố gắng giải thích bà làm đơn lại hoặc rút yêu cầu, nhưng bà ấy không chịu. Dùng dằng gần 10 năm liền. Lần cuối cùng chúng tôi giải quyết nhanh là do bà Linh chỉ yêu cầu ly hôn, không yêu cầu về tài sản nữa".
Từ tháng ba đến nay, ông Tính để lại căn nhà cho vợ con ở. Ban ngày ông đi làm thợ hồ, tối đến làm bảo vệ ở một công ty rồi ngủ ở đó, chỉ về khi nhà có việc. Mỗi tháng, ông đưa bà hai triệu để tự lo thân, là số tiền ông "trả công bà làm vợ" trước đây.
"Ông ấy đưa tiền rất lạnh lùng, nhưng nếu không cầm, tôi biết lấy gì mà sống. Tôi muốn dọn đồ ra khỏi nhà nhưng chẳng biết đi đâu", bà Linh nói.
Bà tâm sự chỉ nghĩ đâm đơn ly hôn để "thúc chồng xây nhà, chứ không muốn bỏ nhau thật", bây giờ bà thấy buồn và hổ thẹn khi phải phụ thuộc vào ông.
Từng nhiều lần hoà giải cho cặp vợ chồng này, bà Đoàn Thị Lài, tổ trưởng dân phố nơi bà Linh ở tại phường 13, quận Bình Thạnh cho biết, hậu ly hôn bà Linh hay tìm đến mình để tâm sự, bày tỏ hối hận, muốn hàn gắn.
Về phần người chồng cũ, ông khẳng định: "Tôi vẫn còn yêu bà ấy. Căn nhà tôi còn ở đó, bà ấy còn ở đó, hai đứa con sẽ có gia đình riêng. Tôi chờ bà ấy thật sự thay đổi sẽ quay về để hàn gắn".
Luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn luật sư TP HCM tư vấn cho rất nhiều vụ án ly hôn, nhưng lần đầu tiên anh nghe đến việc đòi tiền công làm vợ. Theo luật sư, yêu cầu của bà Linh không có trong quy định pháp luật.
"Là vợ chồng thì phải đáp ứng nhu cầu cho nhau, yêu thương nhau, cùng nhau nuôi con. Đó là các khoản không tính được bằng tiền. Nếu bà ấy đòi tiền công làm vợ thì cần phải nghĩ đến công làm chồng của ông Tính", luật sư Bình nói.
Vị luật sư cho rằng, hiện nay rất nhiều phụ nữ rơi vào trường hợp ly hôn xong mà tay trắng như bà Linh. Họ lấy chồng, ở nhà nội trợ, căn nhà được bố mẹ chồng cho, do chồng đứng tên, không có tài sản tích lũy nên khi ra tòa họ không còn gì.
"Tôi nghĩ phụ nữ cần khéo léo và nên có khoản nào đó cho riêng mình để khi gặp chuyện trắc trở còn có cái phòng thân", vị luật sư nói.