Nhiều trẻ đến nơi công cộng, đến nhà người khá, thường nói to, nói leo, nói trống không, không chào hỏi, chạy lung tung, la hét, tọc mạch, chen lấn, xô đẩy, phá phách đồ đạc của người khác hoặc nơi khác… Tuy nhiên, đa số các bậc phụ huynh lại cho rằng, trẻ con chưa biết gì nên đó là điều bình thường và mọi người cần thông cảm.
TS. Vũ Thu Hương cho rằng, như những nét tính cách khác, phép lịch sự rất cần được dạy dỗ ngay từ môi trường gia đình từ khi trẻ còn rất nhỏ, để tạo thành thói quen tốt, góp phần hoàn thiện nhân cách khi trưởng thành.
Các cha mẹ hãy dẹp bỏ suy nghĩ "trẻ con chưa biết gì" để "dạy con từ thuở còn thơ" như các cụ nói là việc làm hết sức cần thết. Điều đó không chỉ giúp còn an toàn, tránh được rủi ro tai nạn nơi công cộng mà còn giúp con trở thành con người có văn hóa, có giáo dục.
TS. Vũ Thu Hương đưa ra 9 lưu ý để cha mẹ có con nhỏ rèn con ngay từ năm đầu đời, để con trở thành đứa trẻ đáng yêu, khuôn phép và lịch sự.
1. Dạy con ăn bốc từ dưới 1 tuổi và từ 1 tuổi trở lên thì cho con tập xúc. Khi vào quán ăn, cha mẹ nên để con tự xúc, con bận rộn thì sẽ đỡ phá phách hơn. Ăn ít hay nhiều thì mẹ ngồi cạnh bổ sung cho con. Dần dần con sẽ có thói quen vào quán xá hay nhà người lạ thì ngồi yên trên ghế.
2. Khi đưa con đi chơi, bố mẹ nên chuẩn bị chút ít đồ chơi để con có thứ chơi trong lúc chờ đợi bố mẹ nói chuyện hoặc ăn uống. Một vài cái thẻ bài, con gấu bông hoặc bút mầu, tờ giấy sẽ giúp con giữ yên lặng rất tốt trong lúc người lớn nói chuyện.
3. Khi con đi ra quán xá hay đến nhà người khác chơi, cha mẹ nên yêu cầu con ngồi trên ghế, yên lặng để người lớn nói chuyện mà không chạy chơi lung tung. Điều đó sẽ giúp con không bị lạc, bị tai nạn do nghịch phá mà lại giữ được nét văn hóa, có giáo dục cho con. Thêm chút đồ chơi thì việc ngồi yên chẳng khó khăn gì lắm đâu.
4. Khi đưa con đi chơi ở nhà khác thì nên chú ý thời gian lưu lại tại đó vì nếu lâu quá, con sẽ chán và sẽ phá phách. Nếu cần tâm sự hoặc làm gì lâu la, bố mẹ tốt nhất nên cho con ở nhà và đi một mình.
5. Nếu con có biểu hiện không ngoan như phá phách, lục lọi đồ đạc nhà người khác, nói leo, nói trống không…. bố mẹ nên phạt ngay cho con nhớ. Chỉ cần ngay lập tức sau đó đưa con ra hàng kem và cả nhà ăn kem còn con thì không được ăn mà phải ngồi nhìn, con sẽ lập tức hiểu là mình đã vượt quá giới hạn cho phép và lần sau con sẽ giữ mình hơn.
Sau 1 lần phạt thật nghiêm túc, nếu lần sau con có quên, cha mẹ chỉ cần nhắc nhở nhẹ nhàng, con sẽ nhớ và giữ kỉ luật hơn.
6. Chính cha mẹ cũng cần giữ gìn hình ảnh và làm gương tốt cho con. Vào quán bia, nghe các bố Zô zô, tớ ức chế lắm. Tiếng ồn ào quá lớn làm phiền các thực khách.
Nếu trong quán hoặc tại nhà người khách mình qua chơi có trẻ con, các cha mẹ cố gắng giảm bớt "volume", nói năng lịch sự hơn và tế nhị hơn. Những lúc không có con bên cạnh thì thoải mái chứ trước mặt trẻ con thì nên giữ gìn.
7. Tại nơi có thang máy, chúng ta nên yêu cầu con sử dụng đúng cách và văn hóa. Tránh đường cho người bên trong ra trước hết rồi mới bước vào. Bấm tầng của mình và không nghịch các nút khác tránh làm hỏng và rơi thang máy. Giữ trật tự trong khi di chuyển, đứng nép vào một bên cho người khác có chỗ đứng.
8. Nếu vào siêu thị hoặc các trung tâm thương mại, cha mẹ nên dạy con kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt mình. Không chen ngang, không xô đẩy, con cần phải biết nhường lối cho người khác để giữ an toàn và lịch sự.
9. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Cho con ăn uống cũng cần dạy con biết nhường người khác. Đi đứng hay ngồi cũng nên để ý tránh lối cho người khác qua lại. Với một em bé biết nhường nhịn, chắc chắn ai gặp cùng yêu.