Hành trình chinh phục học bổng của Chính phủ Canada
Phạm Quốc Toản sinh năm 1989 tại Hà Nội. Mới đây, anh đã giành học bổng toàn phần PCBF (Programme de bourses de la Francophonie – Chương trình học bổng khối Pháp ngữ) của Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Chính phủ Canada năm 2018.
Quốc Toản sẽ du học ngành Phát triển du lịch trong hai năm tại trường đại học UQAM (Université du Québec à Montréal) (thành phố Montréal, bang Québec) bắt đầu từ tháng 9/2018.
Phạm Quốc Toản là một trong các ứng viên xuất sắc nhận học bổng toàn phần PCBF của Chính phủ Canada năm 2018.
Học bổng này giới hạn các chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục của Canada, hướng tới những ứng viên hiện đang công tác tại một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước, có thành tích học tập tốt và chứng tỏ được khả năng đóng góp vào sự phát triển của cơ quan, tổ chức nơi họ công tác sau khi quay trở lại Việt Nam. Vì vậy, việc tuyển chọn khá khắt khe và phức tạp.
Hơn nữa, tự tìm học bổng và tự làm hồ sơ khi đã gần 30 tuổi khiến anh mất nhiều thời gian hơn.
“Khó khăn đầu tiên là phải có sự chấp thuận của đơn vị công tác.
Tiếp đó, mình phải chứng minh được năng lực bản thân (thông qua bảng điểm đại học, khả năng ngôn ngữ, trình độ chuyên môn và tiềm năng phát triển). Đặc biệt, ứng viên phải thể hiện rõ ràng mục tiêu và phương hướng của ngành học tại Canada và sự đóng góp cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trong quá trình nộp hồ sơ du học, tôi chủ động từ việc xin tiến cử của lãnh đạo, xin thư giới thiệu của thầy cô, chuẩn bị giấy tờ đến thi chứng chỉ ngoại ngữ.
Cả quá trình kéo dài từ tháng 10/2017 đến tháng 7/2018 mới kết thúc. Ngoài ra, mình vẫn phải đi làm toàn thời gian, điều này nhiều khi khiến bản thân mình mệt mỏi và luôn trong tình trạng lo âu chờ đợi”, Quốc Toản chia sẻ.
Hiểu rõ định hướng của bản thân và có thành tích cá nhân xuất sắc như đạt chứng chỉ tiếng Pháp DALF C1, tham gia các hoạt động tình nguyện, các cuộc thi của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã giúp anh vượt qua hàng nghìn ứng viên để được Chính phủ Canada trao học bổng.
Phạm Quốc Toản (bên trái) chụp cùng đại biểu đại diện Công quốc Monaco trong Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Việt Nam năm 2015.
Quốc Toản cho rằng, hiện nay có rất nhiều người muốn du học nhưng tuổi đã cao và họ đang có công việc ổn định, không dám bỏ việc để đi thì anh khuyên họ nên mạnh dạn thoát khỏi vùng an toàn của bản thân, hãy nghĩ rằng khi việc đi du học có thể mang đến những điều tuyệt vời hơn cả những gì bạn đang có.
Nam kỹ sư marketing ngành du lịch nói: “Năm nay mình 29 tuổi. Khi mình quyết định nghỉ việc để du học có nhiều người đã phản đối và thắc mắc là tại sao công việc đang tốt, thu nhập ổn định mà lại còn muốn tiếp tục học. Mình nghĩ không bao giờ là quá muộn để bắt đầu cho việc du học.
Ở độ tuổi trưởng thành, chúng ta có sự chín chắn trong suy nghĩ và hành động để hiểu mục tiêu du học không đơn giản chỉ là sở hữu một tấm bằng nước ngoài mà còn là cơ hội phát triển bản thân và sự nghiệp tương lai. Chúng ta cũng biết tự lập, cân bằng cuộc sống, học tập và làm việc được hiệu quả hơn”.
Dành sự quan tâm đặc biệt cho du lịch bền vững
Ngay từ thời Đại học, Quốc Toản đã rất quan tâm đến vấn đề du lịch bền vững.
Anh chia sẻ: “Du lịch bền vững là phát triển ngành du lịch sao cho hài hoà các yếu tố: môi trường, xã hội – văn hoá, hiệu quả kinh tế; thu được lợi nhuận từ du lịch mà không làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và người dân địa phương”.
Tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam rất lớn, có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. Những di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực trẻ là các nền tảng cực kỳ quý báu.
Tuy nhiên, ngành du lịch đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc quản lý và khai thác, thiếu sự đồng bộ cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Theo anh, Canada là một đất nước phát triển và có nền kinh tế hàng đầu thế giới. Du lịch Canada không chỉ thu hút du khách mà vẫn còn giữ được bản sắc văn hoá và cảnh quan thiên nhiên. Du lịch bền vững là trọng tâm trong phát triển kinh tế của Canada. Chính điều này đã khiến Phạm Quốc Toản chọn du học ngành Phát triển du lịch tại Canada.
Chia sẻ về dự định tương lai, Phạm Quốc Toản cho biết, sau thời gian du học, anh sẽ trở về Việt Nam làm việc, đem kiến thức mình đã học để khai thác thêm các thị trường mới và xây dựng những chương trình tour chất lượng.
Quốc Toản muốn tìm hiểu các mô hình du lịch bền vững, thiết thực để đảm bảo lợi ích của tất cả các đối tượng (khách du lịch, người dân địa phương, môi trường sinh thái, lợi ích kinh tế), từ đó góp phần phát triển ngành du lịch của Việt Nam.